Thấy đài nguyên hàng triệu năm tuổi dưới dải băng Greenland
Các nhà địa chất Mỹ ngày 17/4 cho biết họ vừa phát hiện ra một đài nguyên (các khu vực trong đó lớp đất cận bề mặt là đất đóng băng vĩnh cửu) từ thời kỳ tiền băng hà được lưu giữ nguyên vẹn trong suốt 2,7 triệu năm bên dưới dải băng trên đảo Greenland.
Gần 3 triệu năm trước, Greenland trông giống như lãnh nguyên Alaska. Ảnh minh họa. (Nguồn: sci-news.com)
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Khoa học cho biết vùng đài nguyên Greenland được phát hiện ở tình trạng gần như nguyên vẹn nằm sâu 3km bên dưới dải băng. Điều này khác với các trường hợp đóng băng thường gặp trong tự nhiên, khi các sông băng thường hủy diệt mọi thứ trên vùng đất bao phủ, từ thực vật, đất đai đến cả tầng trên cùng của nền đá cứng.
Chủ nhiệm công trình nghiên cứu Paul Bierman của đại học Vermont cho biết dải băng đã đóng chặt trên bề mặt đài nguyên, tạo ra một "chiếc tủ lạnh" giúp bảo quản vùng đất cổ xưa này. Ngay cả trong những thời kỳ nhiệt độ Trái Đất ấm lên, vùng trung tâm Greenland vẫn ổn định và băng không bị tan chảy, bảo vệ vùng đài nguyên trong suốt hàng triệu năm khỏi những tác động của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cũng tiến hành phân tích 17 mẫu vật lấy từ tại Trạm nghiên cứu Summit trên đảo vào năm 1993. Kết quả cho thấy mặt đất tại đây đã có khoảng 200.000 tới 1 triệu năm tồn tại tự nhiên trước khi bị băng bao phủ. Đo lường nồng độ nitrogen và carbon cũng phát hiện những vật chất hữu cơ, dấu hiệu cho thấy khả năng khu vực này có thể từng được rừng bao phủ một phần.