Thấy vỏ nhuyễn thể 5.200 tuổi ở Đồng Tháp Mười
Bằng phương pháp phóng xạ, các nhà khoa học xác định mẫu vỏ nhuyễn thể cổ sưu tập được tại vùng Đồng Tháp Mười khoảng 5.200 tuổi.
Vỏ nhuyễn thể (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Ngày 24/8, thạc sĩ Lê Ái Siêm, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang cho biết, bằng phương pháp phóng xạ cácbon C14, việc giám định mẫu vỏ nhuyễn thể cổ sưu tập được tại địa bàn xã Phước Lập, huyện Tân Phước (Tiền Giang) nằm trong vùng Đồng Tháp Mười cho kết quả vỏ nhuyễn thể này có tuổi khoảng 5.200 năm.
Bảo tàng tỉnh Tiền Giang còn phát hiện những giồng cát nổi chứa đầy vỏ sò, đá sỏi, đồ gốm... tại xã Tân Hòa Thành, đá calci sulfat lẩn trong đất ruộng tại xã Tân Hòa Đông. Đây là những hiện tượng hiếm thấy, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học.
Riêng tại xã Tân Hòa Thành, Bảo tàng tỉnh Tiền Giang phát hiện 2 giồng đất cao, mỗi giồng có chiều ngang khoảng 300m, chiều dài 1.500m. Giồng này cách giồng kia chừng 200m, ở độ sâu 0,3-0,4m, dưới mặt đất chứa đầy vỏ sò, đá sỏi và một số vật dụng bằng gốm đã bị vỡ.
Các mẫu hiện vật mà Bảo tàng tỉnh Tiền Giang thu được đang chờ kết quả giám định. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lê Ái Siêm, trước mắt có thể đánh giá, các gò và giồng đất cao trong vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước có thể là dấu tích của bờ biển cổ Nam bộ cách đây 5.200 năm.
Sau nhiều ngàn năm miệt mài bồi đắp, hệ thống sông Cửu Long đã đẩy lùi bờ biển ra xa phía biển Đông. Bờ biển hiện hữu (Tiền Giang) cách huyện Tân Phước (Tiền Giang) không dưới 50km theo đường chim bay và nằm trên địa phận Gò Công Đông.
Trước đó, trong thập niên 80 của thế kỷ 20, khi thi công các tuyến kênh mương và cống đập hệ thống thủy nông trong Dự án Ngọt hóa Gò Công, địa phương còn phát hiện xương voi dưới lòng kênh.