Thí nghiệm cực ảo: Nhỏ một giọt dung dịch này lên tấm nhôm, "quái vật địa ngục" sẽ mọc lên
Đây là một thí nghiệm tương đối nguy hiểm. Và không phải cứ nhỏ vào là ra quái vật đâu.
Hóa học có lẽ là một bộ môn ác mộng đối với nhiều thế hệ học sinh. Tuy nhiên nếu như bạn có thể tự tay làm các thí nghiệm, thì hóa học cũng không đến nỗi khô khan như bạn tưởng. Chẳng hạn, bạn có thể tự tay chế tạo quái vật rắn đến từ địa ngục chỉ bằng một số dụng cụ trong nhà như đường và cát.
Các video thí nghiệm thú vị cũng luôn nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Và mới đây, chúng ta lại có một video thí nghiệm chế tạo "rắn địa ngục" siêu ảo. Trong đó, người làm thí nghiệm chỉ cần nhỏ một giọt dung dịch màu bạc lên tấm nhôm, và con rắn lập tức hiện ra.
Chỉ cần nhỏ một giọt dung dịch màu bạc lên tấm nhôm, và con rắn lập tức hiện ra.
Thứ dung dịch màu bạc kia thực chất là thủy ngân. Và cụ thể quá trình thí nghiệm như thế nào, xin mời xem video dưới đây.
*Lưu ý: Các thí nghiệm có liên quan đến thủy ngân đều rất nguy hiểm. Không tự ý thực hiện tại nhà.
Không phải cứ thủy ngân tác dụng với nhôm là tạo được ra rắn
Bởi lẽ trong điều kiện bình thường, cho thủy ngân vào nhôm chỉ tạo ra được hiệu ứng ăn mòn như hình dưới thôi. Dù ghê rợn thật, nhưng con rắn sẽ không mọc lên đâu.
Lý do là bởi nhôm là một chất cực kỳ dễ bị oxy hóa. Trong điều kiện bình thường, lớp nhôm bên ngoài sẽ tác dụng với oxy, tạo thành một lớp oxide Al2O3 cực kỳ bền vững. Nhờ vậy, nhôm mới có thể tồn tại được trong tự nhiên mà không bị không khí bào mòn.
Cũng nhờ lớp oxide này mà trong điều kiện thường, thủy ngân chỉ có thể bào mòn tấm nhôm, chứ không thể phản ứng đủ nhanh để tạo ra con rắn như trong thí nghiệm được.
Nếu muốn tạo ra rắn, chúng ta sẽ phải loại bỏ lớp nhôm oxide bên ngoài đi. Đó là lý do vì sao ở đầu video, người ta nhỏ một giọt dung dịch (có thể là acid HCl) để khoét một cái hố trên tấm nhôm. Trong cái hố tạo thành sẽ là nhôm nguyên chất, và lúc này phản ứng với thủy ngân mới có thể đủ nhanh để tạo ra rắn.
Khi thủy ngân tiếp xúc với nhôm nguyên chất sẽ tạo ra hỗn hống (hợp kim của thủy ngân với các kim loại khác). Hỗn hống có tác dụng ngăn không cho oxide nhôm được hình thành, và nhôm vì thế sẽ liên tục bị oxy hóa, khiến bề mặt sùi lên nhanh chóng.
Phương trình hóa học phản ứng.
- 10 thí nghiệm đẹp nhất trong lịch sử
- Video: Thí nghiệm thả vật nặng và lông chim trong chân không