Thiên hà phun lượng khí bằng 10.000 Mặt trời
Thiên hà ID2299 cách Trái đất 9 tỷ năm ánh sáng đang mất một lượng khí khổng lồ, có thể do từng va chạm với thiên hà khác.
Các nhà khoa học quan sát thiên hà ID2299 phun ra gần một nửa lượng khí dùng để tạo sao nhờ hệ thống kính viễn vọng ALMA ở Chile. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Astronomy hôm 11/1.
Thiên hà ID2299 phun ra lượng lớn khí sau vụ một vụ va chạm. (Ảnh: ESO./M.KORNMESSER).
Ánh sáng từ ID2299 cần khoảng 9 tỷ năm để chạm tới Trái đất, nghĩa là các nhà thiên văn đang quan sát hình dạng của thiên hà này khi vũ trụ mới khoảng 4,5 tỷ năm tuổi. Mỗi năm, ID2299 đang mất lượng khí đủ để tạo ra 10.000 Mặt Trời. Đến nay, thiên hà này đã mất 46% tổng lượng khí lạnh - nhiên liệu cần thiết để sao hình thành.
Tuy nhiên, ID2299 vẫn đang tạo sao nhanh chóng với tốc độ gấp hàng trăm lần dải Ngân Hà. Điều này sẽ sớm tiêu hao hết lượng khí còn lại. Một thiên hà "chết" khi sao ngừng hình thành bên trong nó. Vì vậy, ID2299 có thể sẽ chết trong vài chục triệu năm tới.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát được một thiên hà lớn đang tạo sao ở vùng không gian xa sắp chết vì phun ra lượng khí lạnh khổng lồ", Annagrazia Puglisi, trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia tại Đại học Durham, cho biết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng có khả năng ID2299 sắp chết vì từng va chạm và sáp nhập với một thiên hà khác. Các vụ va chạm có thể tạo ra đuôi thủy triều - luồng khí và sao dài vươn ra không gian sau khi hai thiên hà hợp nhất. Thông thường, đuôi thủy triều quá mờ để quan sát ở thiên hà xa như ID2299. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Puglisi đã quan sát được chiếc đuôi này.
Nếu sáp nhập là nguyên nhân khiến ID2299 thất thoát khí, các nhà thiên văn có thể cần xem xét lại các giả thuyết về việc thiên hà ngừng tạo sao. Trước đây, họ cho rằng những cơn gió sinh ra khi sao hình thành và hố đen đang hoạt động ở trung tâm các thiên hà khổng lồ đã đẩy vật chất cần thiết để tạo sao ra ngoài không gian, chấm dứt sự hình thành sao.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các vụ sáp nhập thiên hà có thể dẫn đến thất thoát khí. Ngoài ra, gió và đuôi thủy triều có thể trông rất giống nhau. Điều này khiến chúng ta cần tìm hiểu lại cách thiên hà chết", Emanuele Daddi, đồng tác giả nghiên cứu, nhà thiên văn tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Saclay, nhận định.
Việc tiếp tục quan sát ID2299 trong tương lai có thể hé lộ thêm về lượng khí phun ra từ thiên hà. "ALMA cung cấp thông tin mới về những cơ chế ngăn sao chào đời ở những thiên hà xa xôi. Việc quan sát sự kiện lớn như vậy giúp bổ sung một mảnh ghép quan trọng cho bức tranh bí ẩn về sự tiến hóa của thiên hà", Chiara Circosta, đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia tại Đại học College London, chia sẻ.