Thiên thạch nổ tung ở Nga đã va chạm với Mặt Trời?
Viện Khoáng chất và Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga ngày 27/8 công bố kết quả nghiên cứu cho biết khối thiên thạch khiến hơn 1.500 người bị thương ở nước này ngày 15/2 có thể đã gần như chạm vào Mặt Trời trước khi rơi xuống Trái Đất và nổ tung.
Phát hiện này hiện đã được trình bày tại hội nghị Địa hóa Goldschmidt ở thành phố Florence của Italy.
Sau khi nghiên cứu thành phần của các mảnh thiên thạch vỡ, các chuyên gia địa chất Nga thấy rằng các tảng đá không gian này đã trải qua sự tan chảy ở nhiệt độ cao trước khi rơi vào bầu khí quyển của Trái Đất và nổ tung ở khu vực Chelyabinsk thuộc miền Trung nước Nga như một quả cầu lửa chói mắt.
Ảnh: EPA
Tác giả nghiên cứu Victor Sharygin thuộc Viện Hàn lâm Nga nhận định rằng những gì phát hiện đã chứng minh "gần như chắc chắn" khối thiên thạch này xượt qua Mặt Trời hoặc đã chạm vào một thực thể khác trong Hệ Mặt Trời, ví dụ như một hành tinh hoặc tiểu hành tinh nào đó.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định rằng khối thiên thạch có khối lượng khoảng 10.000 tấn, chiều rộng 17m trước khi phát nổ ở Chelyabinsk, giải phóng khoảng 300 kiloton năng lượng, tương đương sức công phá của 20-25 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến II (năm 1945).
Sóng xung chấn của nó thổi bay các cửa sổ, làm hư hỏng nhiều nhà cửa, công trình công cộng trên khắp năm khu vực của Nga. Các mảnh vỡ của thiên thạch nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn xung quanh Chelyabinsk. Phần lớn nhất được cho là nằm dưới đáy Hồ Chebarkul.
Vụ nổ ngày 15/2 được xem là vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong vòng 100 năm qua tại Nga, khiến hơn 1.500 người bị thương và làm hư hại hàng nghìn tòa nhà. Sau cơn sợ hãi, nhiều người đang phát sốt lên để kiếm tiền từ "mỏ vàng trên trời rơi xuống" bằng cách bày bán các mảnh thiên thạch vỡ.