Thợ sửa xe máy cùng kỹ sư hai lúa “song kiếm hợp bích” chế tạo trực thăng
Người thợ sửa xe máy ở Hà Nội tiết lộ, việc chế tạo chiếc trực thăng thứ 2 sẽ có sự giúp sức của kỹ sư ở Bình Dương.
Chiếc trực thăng tự chế của anh Thắng.
Cuối năm 2013, anh Nguyễn Văn Thắng, ở tổ 7, phố Gia Quất, quận Long Biên, TP Hà Nội đã chế tạo, thử nghiệm thành công chiếc máy bay trực thăng. Sau đó, anh Thắng đã tháo cánh, treo chiếc trực thăng lên mái nhà và tạm ngừng việc thử nghiệm.
Anh Thắng cho biết, đầu năm 2018, anh đã bán chiếc trực thăng tự chế cho một người bạn ở Cần Thơ. “Do nhà tôi hẹp nên không có chỗ để chiếc trực thăng. Thêm nữa, một người bạn của tôi đam mê công nghệ và có hỏi tôi nhiều lần nên sau đó tôi đã bán lại chiếc trực thăng cho người bạn ở Cần Thơ. Nói là bán chứ thực chất tôi chỉ lấy có vài triệu đồng, chủ yếu là ủng hộ niềm đam mê công nghệ của người bạn”, anh Thắng nói.
Sau khi bị nhà chức trách nhắc nhở, anh Thắng đã tháo cánh, treo chiếc trực thăng lên mái nhà và tạm ngừng việc thử nghiệm.
Chủ nhân của chiếc trực thăng tự chế kể, mới đây, anh đã có cuộc gặp gỡ với kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) - người chế tạo trực thăng cất cánh hơn 1m trong vòng 15 phút vào năm 2016.
“Sau đó, kỹ sư Bùi Hiển cũng thỉnh thoảng qua nhà tôi chơi, thăm nhà. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về kinh nghiệm chế tạo, vận hành chiếc trực thăng. Hiện tại, tôi đang chuẩn bị bắt tay vào chế tạo chiếc trực thăng thứ 2 với các tính năng hiện đại và có thể bay cao, lâu hơn”, anh Thắng kể.
Anh Thắng thông tin thêm, việc chế tạo chiếc trực thăng thứ 2 sẽ có sự giúp sức, chia sẻ kinh nghiệm của kỹ sư ở Bình Dương. Ông Hiển hứa sẽ cung cấp các vật liệu, cánh quạt để giúp anh Thắng làm máy bay.
“Tôi sẽ tiếp tục tháo động cơ ở chiếc xe máy cũ ra làm động cơ máy bay. Dự kiến chiếc máy bay tự chế phiên bản 2 vẫn chỉ có thể chở được 1 người, nhưng hình dáng sẽ gọn hơn so với chiếc trực thăng tự chế đầu tiên. Tôi cũng đang tính toán để lắp đặt thêm các thiết bị điện tử, ghế ngồi, màu sơn. Chi phí dự kiến cũng sẽ hết gần 200 triệu đồng”, anh Thắng nói.
Anh Nguyễn Văn Thắng, ở tổ 7, phố Gia Quất, quận Long Biên, TP Hà Nội đã chế tạo, thử nghiệm thành công chiếc máy bay trực thăng.
Trước đó, năm 2013, trong một lần đọc báo thấy một người ở trong Sài Gòn chế tạo được máy bay, anh Thắng đã nảy sinh ý tưởng làm máy bay thử. Anh đã đi tìm mua loại thép có độ đàn hồi cao, chịu lực tốt về làm khung cho chiếc máy bay. Còn cánh quạt quay của máy bay, anh tìm mua loại thép dẻo làm xương sống cho cánh rồi bọc lớp inox vào hàn lại
Mất 3 tháng miệt mài, cộng với số tiền 200 triệu đồng chi phí cho việc mua nguyên liệu, anh Thắng đã hoàn thiện chiếc máy bay trực thăng cỡ nhỏ. Chiếc trực thăng sử dụng động cơ ô tô Suzuki 38kW, 2.0L, với vòng tua 4000-4500 vòng/phút vì quá lớn nên anh phải giảm xuống còn 700 vòng/phút. Trực thăng có cân nặng 185kg, chiều cao 2m60, chiều rộng 1m55, chiều dài thân vào đuôi là 6,8 và chiều dài cánh là 5,5m.
Đầu năm 2014, sau 3 lần thử nghiệm (lần thứ 3 trực thăng bay lên khỏi mặt đất 50cm), anh Thắng bị nhà chức trách nhắc nhở và phải dừng nghiên cứu chế tạo.