Thôi miên liệu thực sự có tác dụng như trong phim và lời đồn thổi
Chúng ta hẳn đã nghe tới thuật ngữ thôi miên trong đời sống khá nhiều nhưng liệu rằng, nó thực sự có tác dụng đối với trí não và tinh thần của con người giống như các bộ phim và lời đồn thổi?
Từ các chương trình ảo thuật đến các chương trình truyền hình thực tế, thôi miên đã trở thành một trò phổ biến trên khắp thế giới. Mặc dù thôi miên thường được miêu tả là một cách thần bí để kiểm soát con người.
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thôi miên có thể không thần kỳ như nhiều người nghĩ và họ cho rằng, đó là một thứ khoa học giả tạo. Vậy hãy cùng xem xét thực thôi miên có tác dụng như những gì chúng ta thấy hay không.
Thôi miên được sử dụng như một cách để giúp mọi người lục lại trí nhớ.
Định nghĩa và lịch sử
Theo Mayo Clinic, thôi miên là một "trạng thái giống như bị hôn mê, trong đó bạn tập trung tối đa". Xuyên suốt chiều dài lịch sử, nó đã được sử dụng như một cách để giúp mọi người lục lại trí nhớ hoặc chữa trị các chứng bệnh về tinh thần.
Từ thời cổ đại, thôi miên đã được coi là thứ có thể thay thế cho ma thuật. Người Ai Cập cổ đại thường sử dụng một hình thức thiền định gọi là "giấc ngủ trong đền thờ" để giúp họ "kết nối với các vị thần".
Vào đầu thế kỷ 18, một bác sĩ người Đức tên là Franz Mesmer bắt đầu sử dụng thuật thôi miên để điều trị cho các bệnh nhân ở Châu Âu. Ông tin rằng thuật thôi miên kết nối mọi thứ trên Trái Đất, đồng thời khai thác năng lượng và truyền cho con người. Tuy nhiên, quan điểm của Franz Mesmer không được nhiều người đồng tình vì còn thiếu các nghiên cứu khoa học bổ trợ. Tuy nhiên, thuật ngữ "mesmerize" hay "thôi miên" tiếp tục được sử dụng để tôn kính tên tuổi của ông.
Kể từ những năm 1800, thôi miên đã được sử dụng để điều trị PTSD cho binh lính.
Trong nhiều năm trời, các bác sĩ tiếp tục sử dụng phương pháp này để điều trị cho bệnh nhân mà không hiểu đầy đủ về cách hoạt động hoặc cách áp dụng tốt nhất. Và không rõ chính xác thôi miên đã giúp được bao nhiêu cho các bệnh nhân.
Vào giữa thế kỷ 18, một bác sĩ người Anh có tên James Braid đã nghiên cứu về thôi miên và đưa ra thuật ngữ "hypnosis" và "hypnotism" dựa trên tên gọi của thần ngủ Hypnos trong truyền thuyết Hy Lạp. Những từ mới này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học.
Kể từ những năm 1800, thôi miên đã được sử dụng để điều trị PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) cho binh lính Thế chiến I và II, thay thế cho việc gây mê trong các ca phẫu thuật khẩn cấp và giải quyết các bệnh khác nhau của cơ thể và tinh thần.
Thôi miên cũng là một trò ảo thuật phổ biến trong các lễ hội và rạp xiếc. Ngày nay, nó thường được mô tả như một cách để vượt qua cơn nghiện, giảm cân và chữa trị chứng bệnh tâm thần.
Liệu thôi miên có tác dụng thần kỳ như người ta vẫn nói?
Câu trả lời là có hoặc không. Trên thực tế, thuật thôi miên không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên khi một nhà trị liệu hành vi đã qua đào tạo và sử dụng nó trong một môi trường được kiểm soát, nó sẽ là một công cụ mạnh mẽ.
Trong một buổi điều trị bằng liệu pháp thôi miên điển hình, nhà trị liệu sẽ sử dụng các tín hiệu bằng lời nói và sự lặp lại để đưa bệnh nhân vào trạng thái giống như thôi miên. Trên thực tế, một số người có thể trông như thể đang ngủ tuy nhiên họ thực sự nhận thức được môi trường xung quanh và đang duy trì sự tập trung cao độ vào từng lời nói của nhà trị liệu.
Do tâm trí quá tập trung trong trạng thái này nên các bác sĩ trị liệu có thể đưa ra những gợi ý nhẹ nhàng để giúp giải quyết các vấn đề cho bệnh nhân. Ví dụ, một nhà trị liệu không thể chỉ đưa ai đó vào trạng thái thôi miên và nói "Bạn sẽ ngừng hút thuốc mãi mãi" và búng ngón tay như trong phim để khiến bệnh nhân không bao giờ hút thuốc nữa.
Thôi miên được cho có tác dụng tốt nhất đối với những người dễ bị tác động.
Các tín hiệu và gợi ý này sẽ được lưu trữ trong não bộ và một người thể lục lại bất cứ lúc nào. Nếu ai đó đang cố gắng từ bỏ thói quen hút thuốc, bác sĩ trị liệu có thể đề nghị họ cắt giảm số lượng thuốc hút mỗi ngày hoặc tự bệnh nhân có thể xem xét những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của việc hút thuốc.
Sau buổi trị liệu, bệnh nhân có thể nghĩ về sức khỏe của mình nhiều hơn bình thường trong lúc hút thuốc và họ có thể dành thời gian để nghiên cứu tất cả các tác động tiêu cực của việc hút thuốc, từ đó thúc đẩy họ từ bỏ thói quen xấu.
Thôi miên được cho có tác dụng tốt nhất đối với những người dễ bị tác động và ảnh hưởng từ người khác. Đây có thể là câu trả lời cho câu hỏi "liệu thôi miên có hiệu quả không?". Kết luận cuối cùng là có thể có hoặc không.
Nếu một người không tin tưởng, cố chấp và cứng đầu sẽ khó có thể thay đổi hành vi xấu bằng thủ thuật thôi miên. Nhưng đối với những người cởi mở và quan tâm đến ý kiến bên ngoài, thôi miên có thể là giải pháp hoàn hảo cho vấn đề của họ.
Mặc dù phương pháp điều trị này không hiệu quả với tất cả mọi người. Nhưng nhiều nghiên cứu tích cực đã chỉ ra tiềm năng của nó. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy, thôi miên rất hữu ích trong việc giảm đau ở trẻ em và một đánh giá từ năm 2011 cũng chỉ ra hiệu quả của thôi miên trong giảm đau cho phụ nữ khi chuyển dạ và sinh nở.
Có nhiều liệu pháp hành vi được ứng dụng hiện nay và thôi miên chỉ là một trong số đó. Nếu nó không hiệu quả với bạn, nó có thể hiệu quả với người khác.