Thuật toán AI có khả năng chẩn đoán được ung thư da đúng đến 96%
Không chỉ công nhân lao động, nhà báo, phục vụ mà giờ đến bác sỹ da liễu cũng lo sợ bị máy móc thế chỗ.
Các nhà nghiên cứu tại đại học Stanford đã tạo ra một thuật toán AI có khả năng nhận dạng ung thư da giỏi không kém gì bác sỹ chuyên nghiệp. Phần mềm này được huấn luyện bằng gần 130.000 hình ảnh liên quan đến nốt ruồi, vết tấy và tổn thương da thông qua hình thức deep learning.
Sau đó, nó "đối đầu" với 21 bác sỹ da liễu và thu nhận được kết quả ngang ngửa với họ (ít nhất chính xác 91% so với con người). Trong tương lai, họ dự định sẽ tiến hành thực hiện một ứng dụng phát hiện ung thư da tại nhà cho smartphone.
Mỗi năm, có 5,4 triệu trường hợp mắc ung thư da tại Mỹ. Quá trình chẩn đoán bệnh có rất nhiều giai đoạn, bao gồm khám nốt ruồi hoặc những dấu tích trên da bởi các bác sỹ chuyên khoa. Phát hiện căn bệnh này càng sớm thì cơ hội chữa khỏi và sống sót càng cao.
Ví dụ, khả năng sống sót sau 5 năm của bệnh ung thư tế bào hắc tố da được phát hiện sớm là 97%, tuy nhiên đến những giai đoạn sau, con số giảm xuống chỉ còn 14%.
Ung thư tế bào hắc tố da là căn bệnh rất phổ biến
Để "dạy" AI của họ cách nhận biết ung thư da, các nhà khoa học tại Stanford đã sử dụng một thuật toán deep learning có sẵn, do Google tạo ra với chức năng phân loại hình ảnh. Họ đã miêu tả quá trình trong bài nghiên cứu của mình: chúng tôi đã cung cấp cho nó hàng nghìn hình ảnh thu thập được trên toàn thế giới, cùng với việc cho nó biết hình nào là bệnh gì, hoặc đây là u lành hay u ác.
"Chẳng có kho dữ liệu có sẵn nào để chúng tôi huấn luyện thuật toán của mình, chính vì vậy chúng tôi phải tự tạo ra nó," Brett Kuprel, đồng tác giả của nghiên cứu này chia sẻ. "Chúng tôi phải lấy hình ảnh từ Internet và làm việc với các trường Y học để tạo ra được một bộ sưu tập ngăn nắp từ đống dữ liệu lộn xộn kia – tên bệnh được viết bằng nhiều thứ tiếng, bao gồm cả tiếng Đức, Ả Rập và La tinh."
Thuật toán này sẽ thế chỗ bác sỹ da liễu trong tương lai?
Đội ngũ này sau đó tạo ra được một cơ sở dữ liệu gồm 129.450 ảnh của 2.032 loại bệnh khác nhau. Hệ thống AI sau đó quét từng điểm ảnh trong những tấm hình này, tìm kiếm sự tương đồng của mỗi căn bệnh với từng bệnh tình của người mắc ung thư da. Sau quá trình luyện tập, hệ thống này đã có thể nhận diện được những căn bệnh "chẳng kém gì những chuyên gia được đào tạo bài bản," các nhà khoa học cho biết.
Lấy ví dụ với căn bệnh ung thư hắc tố da, bác sỹ da liễu nhận diện được 95% những tổn thương do nó gây nên và chẩn đoán được đúng 76% là u lành tính. Cùng thử nghiệm đó, thuật toán AI kia ghi được 96% trường hợp bị nhiễm hắc tố da và đúng 90% đối với nốt ruồi không gây hại.
Các nhà khoa học của Stanford nói rằng mục đích phát triển phần mềm của họ không phải là để thay thế bác sỹ da liễu, mà là giúp mọi có được phương pháp chẩn đoán không quá đắt đỏ. Họ còn đang thai nghén tham vọng tạo ra một phiên bản cao cấp của thuật toán này và biến nó thành một ứng dụng có thể dùng tại nhà.
Tuy nhiên, để điều này xảy ra thì AI cần phải luyện tập nhiều hơn (nó đã quá quen làm việc với tấm hình có độ phân giải và chất lượng cao – không phải những loại ảnh mà smartphone có thể chụp được) và cần phải đánh giá khắt khe nó ở nhiều khía cạnh trước khi được tung ra.