Thuốc nam, thuốc bắc có trị khỏi ung thư?
Các bài thuốc thanh nhiệt, giải độc có thể giúp bệnh nhân khỏe, mau hồi phục hơn sau những đợt hóa trị, xạ trị, nhưng không thể trị khỏi ung thư.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết trong điều trị bệnh ung thư hiện nay, y học cổ truyền không phải là phương pháp điều trị chính. Nếu biết kết hợp, y học cổ truyền sẽ hỗ trợ tốt cho người bệnh.
"Thực tế qua mười mấy năm điều trị rất nhiều bệnh nhân ung thư, tôi chưa từng thấy bệnh nhân nào hết được bệnh ung thư nếu chỉ nhờ vào y học cổ truyền", bác sĩ Vũ nói. "Bệnh nhân nên kết hợp cả y học hiện đại thay vì chỉ chọn một trong hai".
Kết hợp các bài thuốc nam, thuốc bắc, xoa bóp ấn huyệt cho bệnh nhân đang điều trị ung thư sẽ giúp người bệnh mau hồi phục hơn. Người bệnh không nên tin vào những thứ quý hiếm như sừng tê giác do không có hiệu quả điều trị, tốn tiền và vi phạm pháp luật.
Theo bác sĩ Vũ, các nhà khoa học đang nghiên cứu một số hoạt chất trị ung thư được chiết xuất từ cây bình bát (na xiêm), thông đỏ... Quá trình tinh chế rất phức tạp, cần nhiều nguyên liệu, không phải người bệnh ăn cây hay quả bình bát, thông đỏ là sẽ trị được ung thư.
Trái bình bát. (Ảnh: Trái cây vuông tròn).
Thực dưỡng hay thanh lọc cơ thể là một cách ăn uống kết hợp vận động, dưỡng sinh. Thực dưỡng đang được "tâng bốc" như cách điều trị nhiều bệnh từ tiểu đường cho đến ung thư, với những lý thuyết cao siêu liên quan đến âm dương, vũ trụ, không có cơ sở khoa học. Đây không phải là phương pháp điều trị bệnh ung thư.
Có trường phái bắt người bệnh chỉ ăn gạo lứt, muối mè (vừng), uống nước lọc, dễ dẫn đến suy kiệt. Chỉ khi nào bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi thực hành thực dưỡng và không quá khắc nghiệt, đảm bảo đủ chất như đạm, đường, chất béo... thì có thể kết hợp thực dưỡng với các phương pháp điều trị chính thống.
Một số người lại kiêng đạm và đường để "bỏ đói tế bào ung thư". Đây là điều sai lầm và nguy hiểm, khiến cơ thể suy kiệt. Bỏ đói khối u bằng cách hạn chế tối đa nguồn dinh dưỡng chỉ khiến cơ thể kiệt quệ, sức đề kháng suy yếu, tạo điều kiện cho khối u lan tràn nhanh hơn.
"Khối u giống như chấy rận hoặc cây tầm gửi, sẽ hút cạn sức của người bệnh dù họ có ăn hay không", bác sĩ Vũ khẳng định.
Do đó, đảm bảo dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong suốt quá trình điều trị.
Không có chế độ ăn đặc biệt dành cho bệnh nhân ung thư. Do thời gian điều trị thường kéo dài nên người bệnh cần chú ý đảm bảo dinh dưỡng như đạm, đường, chất béo, rau xanh... nhằm đủ sức khỏe chống chọi bệnh. Dinh dưỡng dù không trực tiếp trị bệnh ung thư, nhưng là nền tảng cho sức khỏe, sức đề kháng của bệnh nhân. Nếu người mắc ung thư có kèm theo các bệnh khác như tiểu đường hay suy thận thì có thể thực hiện chế độ ăn tiết chế theo bác sĩ chuyên khoa.
Người bệnh thường nhầm lẫn ung thư với những loại u nhọt bình thường. U nhọt có thể là những ổ áp xe do vi trùng, ký sinh trùng gây ra. Ung thư là một loại khối u ác tính xâm lấn và di căn sang nơi khác. Nhiều trường hợp bị u nhọt sau khi chích lể hoặc đắp thuốc đắp lá lên khối u sẽ làm ổ nhiễm trùng vỡ ra và lành sau đó. Với ung thư, việc chích lể hoặc đắp thuốc đắp lá sẽ làm khối u bị bội nhiễm và lan tràn nhanh hơn.
Bác sĩ khuyến cáo, các thông tin quảng cáo hiện nay rất nhiều. Người bệnh nên tìm hiểu kỹ về trình độ, bằng cấp của các "chuyên gia" tự phong trên mạng, các "thần y" lừa đảo, các video "ba đời chữa ung thư" với những nhân vật "chưa chắc có thật và mắc bệnh thật".
Người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng mức. Hiện, điều trị ung thư có nhiều tiến bộ, nhiều thuốc mới giúp bệnh nhân kéo dài cuộc sống, ít tác dụng phụ và chi phí hợp lý.
Bệnh nhân nên thường xuyên trao đổi với nhân viên y tế, tham gia các nhóm, câu lạc bộ cùng cảnh ngộ, kiên nhẫn và vững tâm với quá trình điều trị. Các thuốc, phương pháp điều trị hiện đại đều phải trải qua các nghiên cứu nghiêm ngặt với hàng nghìn bệnh nhân và thời gian theo dõi nhiều năm để chứng minh hiệu quả, không nên vì vài trường hợp thất bại mà nản lòng.