Tiếng gầm khiến người nghe dựng tóc gáy của khủng long bạo chúa
Tiếng kêu của khủng long bạo chúa T-Rex không phải âm thanh gầm rống mà rền vang trầm thấp, nhưng vẫn đủ gieo rắc nỗi sợ hãi.
Nhà tự nhiên học Chris Packham ghé thăm Julia Clarke, giáo sư cổ sinh vật học động vật có xương sống ở Đại học Texas trong chương trình tài liệu The Real T.rex để kiểm tra giả thuyết những con khủng long bạo chúa có thực sự phát ra tiếng kêu giống chim và thằn lằn hơn các loài động vật có vú ăn thịt ngày nay, Telegraph hôm 9/12 đưa tin.
"Những âm thanh đáng sợ nhất trong thế giới tự nhiên ngày nay đến từ những động vật săn mồi nhưng tiếng tru của chó sói hay tiếng gầm của sư tử, nhưng các chuyên gia nghi ngờ T-Rex không kêu giống chúng", Packham nói.
Chris Packham và Julia Clarke tìm hiểu tiếng kêu của khủng long bạo chúa. (Video: BBC).
Khủng long là tổ tiên của loài chim và có quan hệ gần với cá sấu mõm ngắn và cá sấu thông thường, do đó giáo sư Clarke sử dụng âm thanh của loài vạc rạ có tiếng kêu vang đặc biệt và âm điệu của cá sấu sông Dương Tử để ước tính âm lượng do T-Rex phát ra.
Khi giáo sư Clarke vặn to âm thanh để tương ứng với kích thước của con khủng long khổng lồ, tiếng kêu trở nên âm thanh rền vang trầm thấp gợi liên tưởng đến điềm xấu và đủ đáng sợ để làm người nghe dựng tóc gáy.
Theo giáo sư Clarke, sự thiếu thiện cảm của chúng ta với những âm thanh như vậy có thể bắt nguồn từ ký ức bẩm sinh về những loài săn mồi nguy hiểm đã bị lãng quên từ lâu.
"Tôi có cảm giác âm thanh này gây ra sự sợ hãi. Mọi người nghĩ tiếng gầm rống mới thực sự đáng sợ, nhưng đây là âm thanh đáng sợ nhất mà bạn từng nghe thấy. Tôi không biết liệu chúng ta có phản ứng thích nghi với âm thanh tần số thấp hay không nhưng tôi không lấy làm bất ngờ. Trong thế giới động vật, âm thanh trầm hơn là dấu hiệu đích thực của kích thước cơ thể lớn hơn. Do đó, âm thanh chúng ta nghe thấy tương ứng với một động vật thực sự lớn", giáo sư Clarke cho biết.
Khủng long bạo chúa thậm chí có thể không cần mở miệng để phát ra âm thanh đáng sợ. Đối với các loài chim và bò sát, việc phát ra tiếng kêu khi ngậm miệng khá phổ biến. Tiếng kêu rền vang của nó có thể đạt mức trầm thấp đủ để cảm nhận rõ thay vì nghe.
Các nhà nghiên cứu có thể ước tính tiếng kêu của khủng long bạo chúa trầm tới đâu khi phân tích những gì con khủng long nghe thấy. Tiến sĩ Larry Witmer ở Đại học Ohio, Mỹ, quét hộp sọ của một hóa thạch T-Rex vẫn giữ nguyên đường nét của cơ quan thính giác.
Tiếng kêu của khủng long bạo chúa không giống các loài động vật có vú ăn thịt ngày nay. (Ảnh minh họa: Wordpress).
"Chúng tôi có thể thu thập thông tin từ việc xem xét cấu trúc tai trong. Kết quả cho thấy T-Rex có cơ quan thính giác rất nhạy, chúng đặc biệt nhạy cảm với âm thanh tần số thấp, thậm chí còn thấp hơn ngưỡng nghe của nhiều người", tiến sĩ Witmer nói.
Tiếng kêu rền vang trầm thấp có thể truyền qua khoảng cách lớn. Những động vật có vú lớn ngày nay có thể "nói chuyện" ở khoảng cách vài kilomet, trong khi tiếng hát của cá voi có thể thu được cách nguồn phát ra hàng nghìn kilomet.
"Có một nỗi sợ hãi nguyên thủy gắn liền với những âm thanh như vậy. T-Rex không cần gầm rống, nó cần khả năng giao tiếp trên những khu vực rộng lớn. Chúng có thể vượt qua khoảng cách lớn cùng với những loài vật di cư mà chúng săn. Đây có thể là lần đầu tiên sau 66 triệu năm âm thanh này vang lên trên Trái Đất. Đó là kết quả dựa trên suy đoán, nhưng chúng tôi sử dụng những bằng chứng có sẵn. Tôi nghĩ đó là âm thanh đáng sợ nhất tôi từng nghe thấy", Packham giải thích.