Tiết lộ bí mật không tưởng cuộc sống bên trong tàu ngầm Nga
Trong nhiều tháng liền họ không thấy bầu trời trên đầu mình, họ phải uống nước chưng cất, phải sống trong một không gian kín theo thời khắc biểu bản kê từng phút giây để thực hiện những việc khác nhau, và liên tục cảm thấy trách nhiệm to lớn và sự hiện diện vô hình của "đối thủ tiềm năng".
Và trên tàu ngầm còn có một "con quái vật nguyên tử" (dù đã được thuần hóa, nhưng cũng có thể "chạy điên cuồng") và các tên lửa đạn đạo hay hành trình với đầu đạn hạt nhân và các ngư lôi luôn sẵn sàng chiến đấu. Sự phục vụ trên tàu ngầm hạt nhân được coi là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong Hải quân Nga cũng như trong lực lượng hải quân của các quốc gia khác. Những "thành phố nổi" thường hoạt động độc lập trong lòng đại dương. Thuyền trưởng tàu ngầm hạt nhân có quyền đưa ra quyết định có thể ảnh hưởng không chỉ đến tình hình địa chính trị, mà nói chung đến số phận của loài người…
Sau đây là bài viết của "Sputnik" cho biết những chi tiết về quá trình chuyển bị tàu ngầm hạt nhân Nga cho chuyến đi dài ngày, về cuộc sống trên tàu ngầm.
Cuộc hành trình dài trên đại dương, tức là hoạt động ở "chế độ độc lập" hoặc "việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu" là hình thức cao nhất của hoạt động duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của Hải quân trong thời bình.
Những chiếc tàu ngầm thường xuyên đi đến những khu vực của đại dương, nơi chúng sẽ hành động trong trường hợp bùng nổ… thế chiến III hoặc cuộc xung đột vũ trang cục bộ. Tàu ngầm theo dõi các tàu chiến và tàu ngầm của "đối thủ tiềm năng", tuần tra khu vực trách nhiệm của mình và luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí (bao gồm vũ khí hạt nhân), tiến hành hoạt động trinh sát. Trong thời gian chuyến đi dài ngày chiếc tàu ngầm hoạt động dưới nước. Cuộc hành trình trong lòng đại dương kéo dài trung bình từ một tháng rưỡi đến hai tháng, nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn nữa.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân "Dmitry Donskoy".
"Kỷ lục của tôi là chuyến đi trong chế độ độc lập kéo dài hơn 90 ngày dưới nước, — Đại tá Hải quân Vladimir Mamaykin, thuyền trưởng tàu ngầm K-462 thuộc Hạm đội Phương Bắc vào những năm 1981-1984, người đã tham gia 13 "cuộc hành trình chiến đấu", cho biết với Sputnik. Trong những chiến dịch như vậy, thuyền trưởng trên thực tế giữ chức vụ lãnh đạo nhà nước. Trong chuyến đi biển có thể xuất hiện bất kỳ tình huống khẩn cấp, và người chỉ huy có quyền thông qua quyết định về những hành động trong tình huống này hay tình huống khác".
Trước khi ra biển, tất cả các thành viên của thủy thủ đoàn phải trải qua một khóa đào tạo đặc biệt. Ngoài ra, các thủy thủ và chuyên gia kỹ thuật kiểm tra cẩn thận tất cả các bộ phận và cụm thiết bị trên tàu ngầm. Một sai lầm phải trả giá quá đắt. Nếu sự cố xảy ra gần bờ biển của nước mình thì tàu ngầm có thể nổi lên mặt nước và yêu cầu sự giúp đỡ. Nhưng, nếu một sự cố nghiêm trọng xảy ra dưới lớp băng ở vùng Bắc Băng Dương hoặc gần nhóm tàu sân bay của "đối thủ tiềm năng" thì sao? Trong những trường hợp như vậy, tàu ngầm hoặc là không thể nổi lên trên hoặc là phải hứng chịu trận thua xấu hổ! Sau khi thực hiện các công việc chuẩn bị, thuyền trưởng của tàu hạt nhân cho phép các sĩ quan ở lại với gia đình trong một vài ngày trước khi đi xa. Vào ngày ra biển, tàu ngầm rời khỏi căn cứ và lặn xuống nước. Và chỉ một vài tháng sau, chiếc tàu ngầm mới có thể nổi lên — sau khi trở về từ cuộc hành trình xa.
Thời khắc biểu trên tàu ngầm hạt nhân cũng như trên các tàu chiến cỡ lớn mô tả từng phút giây các hoạt động hàng ngày. Có các phiên trực, phiên gác chiến đấu, công tác đặc biệt, buổi tập luyện, đào tạo, lệnh báo động. Cuộc sống diễn ra y như trong bất kỳ đơn vị quân đội nào. Tất nhiên, các thủy thủ có thời gian để rửa quân phục và tắm vòi nước. Ngoài ra, trên các tàu ngầm hiện đại nhất có cả phòng xông hơi khô cùng chiếc bể bơi. Nhiều tàu ngầm hạt nhân có thư viện, tại đó tổ chức những cuộc thi và chiếu phim. Chế độ ăn uống của các thủy thủ trên tàu ngầm Nga chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với, chẳng hạn, lục quân, hải quân, và ngay cả so với các đơn vị lực lượng đổ bộ đường không và các tàu nổi. Trong thời gian cuộc hành trình xa, tất cả các thành viên thủy thủ đoàn nhận được 100 gram rượu vang mỗi ngày. Điều này là cần thiết để bảo đảm hoạt động bình thường trong không gian kín, thiếu ánh sáng mặt trời và thiếu oxy. Ngoài ra, rượu vang đẩy các chất phóng xạ ra khỏi cơ thể.
Tàu ngầm Liên Xô "Yorsh".
"Tôi không nhớ trường hợp nào khi ai đó bị đói trong thời gian phục vụ trên tàu ngầm", ông Vladimir Mamaykin nói. — Tất nhiên, chúng tôi muốn thưởng thức những món ăn từ những thứ còn tươi, nhưng, cũng đã thoải mái khi ăn những đồ ăn đóng hộp. Hơn nữa, trong thập niên 1970, trên các tàu ngầm hạt nhân đã thành lập những nhóm thủy thủ gồm 5-6 người, các nhóm này đã có những chế độ ăn uống khác nhau, họ đã thử nghiệm những thức ăn cho phi hành gia. Bác sĩ trên tàu đã quan sát và ghi lại các đặc điểm.
Phương pháp này là hữu ích bởi vì thời gian phục vụ tàu ngầm nguyên tử giống với công việc của phi hành gia trên trạm quỹ đạo. Khác biệt duy nhất là trạng thái không trọng lượng và ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, các thủy thỉ trên tàu ngầm không bao giờ bị "bệnh biển đảo": tàu ngầm dưới nước không nhảy sóng.
Vào thời điểm được thỏa thuận từ trước, thuyền trưởng ra lệnh "lên tới gần bề mặt biển" để sử dụng ăng-ten cho phiên liên lạc. Cho dù có thể thiết lập liên lạc với trạm "trên bờ" hay không, thủy thủ đoàn phải thực hiện nghiêm ngặt lịch trình các phiên liên lạc. Trong tình huống khẩn cấp, để truyền đạt thông tin quan trọng, tàu ngầm có thể "lên tới gần bề mặt biển" bất cứ lúc nào. Các chuyên gia trên bờ làm việc suốt ngày đêm và họ sẽ nhận tín hiệu.
Thuyền trưởng của bất kỳ tàu ngầm hạt nhân không biết chính xác chiếc tàu của ông sẽ đi qua những vùng biển và đại dương nào trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Về nguyên tắc, tàu ngầm hạt nhân có khả năng hoạt động không giới hạn, vào bất cứ lúc nào ban chỉ huy có thể ra lệnh và thuyền trưởng sẽ thay đổi hành trình.