Tiểu hành tinh to bằng cá voi xanh đến gần Trái đất
Một tiểu hành tinh lớn ít nhất bằng một con cá voi xanh sẽ lướt qua Trái đất với vận tốc hơn 26.000km/h, theo NASA.
Mô phỏng tiểu hành tinh bay tới gần Trái đất. (Ảnh: Erik Simonsen)
Tiểu hành tinh mang tên 2021 GT2 được dự đoán bay qua Trái đất ở khoảng cách 3,5 triệu km, gấp khoảng 10 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt Trăng. Tốc độ và khoảng cách này được đánh giá là an toàn với Trái đất. Các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện thiên thạch này năm ngoái và ước tính kích thước của nó vào khoảng 37 - 83 m.
2021 GT2 là tiểu hành tinh nhóm Aten, có nghĩa nó quay quanh Mặt trời ở khoảng cách gần hơn Trái đất theo chu kỳ 342 ngày và quỹ đạo của nó cắt ngang quỹ đạo của Trái đất. Giới thiên văn học phát hiện hơn 1.800 tiểu hành tinh như vậy, nhiều tiểu hành tinh trong số đó có khả năng gây nguy hiểm cho Trái đất. Sau ngày 6/6, lần bay gần Trái đất tiếp theo của 2021 GT2 sẽ diễn ra vào ngày 26/1/2034. Khi đó, tiểu hành tinh này sẽ bay qua Trái đất khoảng cách 14,5 triệu km.
2021 GT2 được xếp vào nhóm vật thể gần Trái đất. Đó là thuật ngữ dùng để chỉ tiểu hành tinh và thiên thạch quay trong phạm vi 1,3 đơn vị thiên văn quanh Mặt trời (đơn vị thiên văn là khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời, tương đương 149,6 triệu km). NASA theo dõi hàng chục nghìn vật thể tương tự, dự đoán đường bay của mỗi vật thể trong vòng hàng trăm năm tới. Hiện tại, giới nghiên cứu chưa phát hiện bất kỳ vật thể gần Trái đất nào có thể trở thành mối đe dọa.
Hiện nay, NASA đang kiểm tra liệu có thể thay đổi đường bay của tiểu hành tinh lớn bằng tên lửa hay không. Vào tháng 11/2021, NASA phóng một tàu vũ trụ mang tên Double Asteroid Redirection Test (DART), dự kiến đâm trực tiếp vào tiểu hành tinh Dimorphos rộng 160 m vào mùa thu năm 2022. Vụ va chạm sẽ không phá hủy Dimorphos nhưng đủ làm quỹ đạo của nó thay đổi nhẹ.