Tìm thấy hạt vi nhựa ở nơi không thể ngờ tới
Các nhà khoa học đã chứng minh vi nhựa có ở khắp mọi nơi, trong không khí, trong đại dương và kể cả trong cơ thể con người suốt nhiều năm qua.
Từ dưới sâu thẳm đại dương cho đến đỉnh núi cao, không có chỗ nào là không có rác thải nhựa của con người xả ra. Chính chúng ta còn hấp thụ hạt vi nhựa vào trong cơ thể, trong khi chưa nắm bắt được những tác động lên sức khỏe.
Những hình ảnh về ô nhiễm rác thải nhựa dường như đã trở nên quen thuộc: Một con rùa bị chết ngạt vì túi nhựa, vỏ chai nước trôi dạt vào bãi biển, hay khu vực "Đảo rác Thái Bình Dương" với những mảnh nhựa trôi nổi.
Hàng triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, phần lớn từ nhiên liệu hóa thạch, bị xả thẳng vào môi trường và phân hủy thành các mảnh nhựa nhỏ.
Vi nhựa trong cơ thể người
Jean-Francois Ghiglione, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Hải dương học Vi sinh vật ở Pháp, cho biết: “Chúng tôi không thể tưởng tượng 10 năm trước đây có thể có nhiều vi nhựa nhỏ, không thể nhìn được bằng mắt thường và ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Việc tìm thấy vi nhựa trong cơ thể con người là điều chúng tôi chưa thể hình dung tới".
Vi nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện nằm bên trong cơ thể con người. (Ảnh: iStockphoto).
Ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện ra vi nhựa xuất hiện trong cơ thể con người, từ "phổi, lá lách, thận và thậm chí cả nhau thai", ông Ghiglione nói với AFP.
Vì vậy không quá sốc khi chúng ta hít phải những hạt này trong không khí, đặc biệt là từ các sợi nhỏ từ quần áo tổng hợp.
Laura Sadofsky, từ Trường Y Hull York ở Anh, cho biết: “Chúng tôi biết rằng có vi nhựa trong không khí và ở khắp xung quanh chúng ta".
Nhóm của cô đã tìm thấy nhựa PP (polypropylene) và PET (polyethylene terephthalate) trong mô phổi người, được xác định từ sợi vải tổng hợp.
"Điều ngạc nhiên là độ sâu của nó và và kích thước của những hạt đó nằm trong phổi", cô nói với AFP.
Vào tháng 3/2022, một nghiên cứu khác đã chứng minh được những dấu vết đầu tiên của PET trong máu người.
Với một số mẫu máu của các tình nguyện viên, các nhà khoa học nói rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng vẫn lo ngại rằng nếu nhựa có trong máu, chúng có thể được vận chuyển đến tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong mô nhau thai của cả mẹ và thai nhi, bày tỏ sự lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra đối với sự phát triển của thai nhi.
Bart Koelmans, giáo sư về Sinh thái Thủy sinh và Chất lượng Nước tại Đại học Wageningen, Hà Lan, cho biết: “Nếu bạn hỏi một nhà khoa học về ảnh hưởng tiêu cực, họ sẽ nói là không biết. Có khả năng nó là một vấn đề lớn, nhưng chúng tôi không có bằng chứng khoa học để xác nhận những tác động, nếu có".
Một giả thuyết cho rằng vi nhựa có thể là nguyên nhân gây ra một số hội chứng làm suy giảm sức khỏe con người.
Khi các nhà khoa học đã xác định sự hiện diện của vi nhựa trong cơ thể, thì nhiều khả năng con người đã ăn, uống và hít thở phải nhựa trong nhiều năm liền.
Vào năm 2019, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF đã công bố một báo cáo gây sốc, ước tính rằng con người đang ăn và hít phải 5 g nhựa/tuần, một lượng nhựa đủ để làm nên chiếc thẻ tín dụng.
Koelmans, người có tranh cãi về phương pháp luận và kết quả của nghiên cứu đó, đã tính toán được số lượng ấy chỉ gần bằng hạt muối.
Ông nói với AFP: “Trong suốt cuộc đời, một hạt muối mỗi tuần vẫn ổn".
Hít nhựa nhiều năm
Trong khi các nghiên cứu về sức khỏe con người vẫn còn đang được thực hiện, tác hại của vi nhựa lên một số loài động vật gây quan ngại.
Đảo rác Thái Bình Dương khổng lồ tiếp tục gia tăng kích cỡ. (Ảnh: Shutterstock)
Ghiglione cho biết: “Những hạt vi nhựa siêu nhỏ có hại đến tất cả các loài động vật mà chúng tôi đã nghiên cứu trong môi trường biển hoặc trên đất liền".
Ông nói thêm rằng loạt hóa chất được tìm thấy trong nhiều nguyên vật liệu: thuốc nhuộm, chất ổn định, chất chống cháy, và có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, trao đổi chất, lượng đường trong máu, huyết áp và thậm chí cả sinh sản.
Ông cho biết cần phải có cách xử lý, khuyến khích người tiêu dùng giảm lượng sản phẩm nhựa, đặc biệt là các loại chai lọ.
Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc đã bắt đầu phát triển một hiệp ước ràng buộc quốc tế nhằm giải quyết nạn ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Họ cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ô nhiễm để phù hợp với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và khủng hoảng khí hậu.
Trong khi các tác động sức khỏe từ nhựa chưa được xác định, thì theo chuyên gia từ Ủy ban Lancet về ô nhiễm và sức khỏe ước tính ô nhiễm môi trường đã khiến 6,7 triệu người chết sớm vào năm 2019.
Khoảng 460 triệu tấn nhựa đã được sử dụng vào năm 2019, nhiều gấp đôi so với 20 năm trước đó. Ít hơn 10% trong số đó được tái chế.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết sản lượng hàng năm của nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao nhất 1,2 tỷ tấn vào năm 2060, với lượng chất thải sẽ vượt quá 1 tỷ tấn.
Koelmans nói: “Mọi người không thể ngừng thở, vì vậy ngay cả khi bạn thay đổi thói quen ăn uống, bạn vẫn sẽ hít phải chúng".
"Vì chúng ở khắp nơi".