Tìm thấy “hóa thạch sống” động vật cổ xưa nhất thế giới
Một loài tôm hiếm được tin là động vật cổ xưa nhất thế giới được các nhà khoa học phát hiện đang ung dung lướt mình tại Khu bảo tồn thiên nhiên Caerlaverock thuộc vùng bờ biển Solway, hạt Dumfriesshire, Scotland.
Theo tạp chí Independent (Anh), hai đàn tôm nòng nọc (the tadpole shrimp), có tên khoa học là Triops cancriformis đã được tìm thấy tại địa điểm nêu trên, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có nhiều đàn tôm này hơn đang “sống ẩn” tại những nơi khác trong khu vực.
Sau khi so sánh các hóa thạch loài tôm nòng nọc được tìm thấy trước đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy “hóa thạch sống” loài tôm này hầu như không thay đổi so với chúng sống cách đây 200 triệu năm khi các loài khủng long đầu tiên tiến hóa.
Tạp chí Guardian (Anh) cho biết tôm nòng nọc sống trong tự nhiên có thể phát triển chiều dài cơ thể tới 10 cm và có “vòng đời” thật khác thường. Nó thích nghi sự sống tạm thời tại những hồ nước trong vùng đầm lầy Caerlaverock, mục đích là để đẻ trứng. Khi mùa nước cạn, những con tôm nòng nọc trưởng thành chết đi và trứng sẽ nằm lại đáy hồ chờ cho tới khi mùa nước nổi tràn về, trứng nở và một chu kỳ sự sống mới lại bắt đầu.
Do hiểu được chu kỳ sự sống kỳ lạ trên của tôm nòng nọc nên các nhà nghiên cứu tại Đại học Glasgow (thành phố Glasgow, Scotland) đã khám phá nhiều điều thú vị về loài tôm hiếm đang nguy cấp này. Các khối bùn tại đáy hồ thuộc khu vực Caerlaverock mà họ nghĩ là có trứng tôm chứa trong đó được thu thập, sau đó chúng được sấy khô và làm ẩm ướt lại trước khi được đặt vào các bể nuôi thủy sinh nhỏ trong phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học thật bất ngờ khi phát hiện một con tôm nòng nọc bơi lội ung dung trong một bể nuôi thủy sinh trong vòng vài tuần sau đó.
Nguồn: Independent, Guardian