Tìm thấy hơn 1.000 loài mới tại Tiểu vùng sông Mekong
Theo một báo cáo vừa được WWF công bố, trong 1.068 loài mới được phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong từ năm 1997 đến 2007 có loài nhện huntsman lớn nhất thế giới với sải chân lên đến 30 centimet và loài rết hồng tiết xyanua.
> Ảnh động vật lạ tại Tiểu vùng sông Mekong
Trong khi hầu hết các loài được phát hiện trong các cánh rừng rộng lớn và vùng đất ngập nước chưa được khai phá, một vài loài khác lần đầu tiên được tìm thấy tại những địa điểm khiến nhiều người trong chúng ta phải ngạc nhiên. Loài chuột đá Lào, được cho rằng đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước, đã được các nhà khoa học phát hiện tại một khu chợ thực phẩm địa phương, trong khi đó loài rắn pitviper tại Thái Lan được tìm thấy đang trượt qua xà nhà của một nhà hàng tại Vườn Quốc Gia Khao Yai.
Một loài rắn tìm thấy tại Tiểu vùng sông Mekong. Ảnh: WWF. |
“Khu vực này đúng như những gì khi còn nhỏ tôi đã đọc trong những câu chuyện của Charles Darwin,” tiến sĩ Thomas Ziegler, phụ trách vườn thú Cologne, Đức nói. “Đó là một cảm giác thật tuyệt vời khi được đến những nơi chưa từng được khám phá và ghi lại sự đa dạng sinh học của nó lần đầu tiên… thật bí ẩn và đẹp đẽ.”
Các loài được phát hiện, được nêu bật trong báo cáo nói trên, bao gồm 519 loài thực vật, 279 loài cá, 88 loài ếch, 88 loài nhện, 46 loài thằn lằn, 22 loài rắn, 15 loài có vú, 4 loài chim, 4 loài rùa, 2 loài kỳ nhông và một loài cóc.
Loài rết nhiều chân tìm thấy ở Tiểu vùng sông Mekong. Ảnh: WWF. |
Khu vực Tiểu vùng sông Mekong có 6 quốc gia cùng chung dòng chảy của sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Người ta ước tính hàng nghìn loài động vật không xương sống được tìm thấy trong thời gian vừa qua, càng khẳng định thêm sự đa dạng sinh học vốn có của khu vực này.
“Không thể nào tuyệt vời hơn nữa,” ông Stuart Chapman, Giám đốc Chương trình của Tổ chức WWF tại tiểu vùng sông Mekong nói. “Chúng tôi nghĩ rằng những phát hiện với số lượng lớn như thế này chỉ có ở trong sách lịch sử. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của khu vực Tiểu vùng sông Mekong trên bản đồ những khu vực đa dạng sinh học của thế giới.”
Báo cáo cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cần đi đôi với nhau để đảm bảo sinh kế và xoá nghèo, cũng như đảm bảo sự tồn tại của các loài sinh vật và sinh cảnh tự nhiên của khu vực Tiểu vùng sông Mekong.