Tìm thấy mô mềm trong hoá thạch ếch
Các nhà khoa học mới tách được tuỷ xương của những con ếch và kỳ giông đã chết cách đây 10 triệu năm trong các đầm lầy than bùn của vùng đông bắc Tây Ban Nha. Mẫu vật được tìm thấy ở Tây Ban Nha. (Ảnh: BBC)
Những tuỷ xương hoá thạch đầu tiên mà khoa học biết đến này đã đem lại thông điệp hiếm hoi về đặc tính sinh lý của các động vật tiền sử.
Cho đến nay, thường chỉ có các mô cứng như xương là còn lại trong các mẫu hoá thạch, các mô mềm thường bị phân huỷ và tiêu biến qua thời gian dài.
Tuỷ xương mới tìm thấy được bảo tồn trong tình trạng 3 chiều, vẫn còn nguyên kết cấu nguyên thuỷ và màu đỏ pha vàng.
"Việc tìm thấy mô mềm như thế này là rất quan trọng vì nó đem đến thông tin về đặc tính sinh lý của các sinh vật cổ đại, cũng như cơ chế vận hành của cơ thể chúng", thành viên nhóm nghiên cứu Maria McNamara từ Đại học tổng hợp Dublin nói.
Những con ếch và kỳ giông được tìm thấy trong một lớp trầm tích giàu hoá thạch thuộc Thế Trung tân - thời kỳ trải dài từ 5,3 đến 23 triệu năm trước.
McNamara và cộng sự tin rằng họ sẽ tìm thêm được nhiều tuỷ xương khác, đem lại hy vọng về việc tái hiện các protein và thậm chí là ADN của những sinh vật tiền sử.
T. An