Tính xã hội và sự tinh ranh của loài linh cẩu
Carl Zimmer
Trong suốt hai thập kỉ vừa qua, bà Kay E. Holekamp đã ghi chép thông tin về đời sống của loài linh cẩu đốm tại những đồng cỏ Xavan phía nam Kenya. Bà quan sát mọi chuyện từ việc những chú linh cẩu con mọc răng rồi lớn lên giành những vị trí nhất định trong đàn cho đến việc từng nhóm liên minh hình thành và tan vỡ. Bà đã chứng kiến nhiều cuộc giao tranh giữa các bầy linh cẩu, trong đó hàng chục cá thể phải liên kết với nhau để bảo vệ cứ địa săn mồi của mình trước những kẻ xâm lấn.
Tiến sĩ Holekamp, đồng thời là giáo sư tại đại học bang Michigan cho biết: “Điều này giống như thả hồn theo một bản nhạc opera dịu nhẹ”.
Trong suốt sự nghiệp của mình, tiến sĩ Holekamp luôn luôn thận trọng với thuyết loài người là trung tâm. Bà không cho rằng loài linh cẩu là những con người có tai dài chạy nhảy bằng bốn chân. Nhưng kì thực, đời sống của những con linh cẩu đốm có một vài điểm tương đồng với chúng ta. Dù ở thế giới loài người hay linh cẩu đều tồn tại một xã hội phức tạp lèo lái quá trình tiến hóa của bộ não.
Những chú linh cẩu tại Khu bảo tồn quốc gia Masai Mara và tại Công viên quốc gia Amboseli (Kenya) – (Ảnh: Nytimes) |
Để tìm hiểu tại sao chúng ta lại có một cơ quan kì lạ đến vậy, các nhà khoa học đã hướng đến các loài linh trưởng – họ hàng của chúng ta. Chúng cũng có bộ não lớn mặc dù không lớn bằng con người. Những loài linh trưởng có thùy trán phát triển thường có xu hướng sống theo bầy đàn.
Động vật linh trưởng có thể sống theo nhóm lớn do tác động của động vật săn mồi hoặc do vai trò gắn kết của nguồn thức ăn (ví dụ như cây ăn quả). Khi số lượng cá thể trong đàn tăng lên, chọn lọc tự nhiên sẽ ưu tiên cho trí thông minh. Những cá thể liên kết với nhau tạo thành liên minh lâu dài và cạnh tranh với đối thủ. Và chúng cũng bắt đầu theo dõi một mạng lưới xã hội ngày càng lớn.
Sự thúc đẩy thông minh xã hội có thể dẫn đến một cuộc cách mạng đối với loài linh trưởng. Ví dụ như những con khỉ đầu chó cái có mối gắn kết tốt với nhau thì sẽ thống trị được cả đàn. Chúng sẽ có nhiều con hơn những con cái cấp dưới, con non của chúng cũng có sức khỏe và phát triển tốt hơn.
Những nghiên cứu hình ảnh não đã tiết lộ rằng khi con người nghĩ về người khác, một số phần của thùy trán hoạt động. Những người ủng hộ thuyết phần óc xã hội cho rằng thùy trán ở tổ tiên chúng ta phức tạp là do chọn lọc tự nhiên đã ưu tiên thông minh xã hội.
Hầu hết các nghiên cứu về giả thuyết phần óc xã hội đều tập trung vào các loài linh trưởng. Theo tiến sĩ Holekamp, một lý do giải thích xu hướng này đó là rất nhiều nhà khoa học cho rằng không có một loài động vật nào khác xứng đáng để nghiên cứu. “Các nhà nghiên cứu động vật linh trưởng đã tranh cãi trong nhiều năm nay rằng động vật linh trưởng là những sinh vật có một không hai về tính phức tạp trong đời sống xã hội của chúng”.
Từ những kinh nghiệm thu được về loài linh cẩu, tiến sĩ Holekamp đã có cơ sở để ngờ vực những lập luận nêu trên. Do đó, bà bắt tay vào tiến hành những thí nghiệm đối với linh cẩu đốm tương tự như thực hiện trên động vật linh trưởng. Bà sẽ bật đoạn ghi âm những con linh cẩu để xem liệu những con khác có nhận ra hay không. Câu trả lời là có. Bà nhanh chóng nhận thấy quan điểm về phần óc xã hội tồn tại duy nhất ở động vật linh trưởng là không toàn vẹn.
Tiến sĩ Holekamp nói: “Tôi sẽ chứng minh rằng điều đó không đúng: những con linh cẩu đốm sống trong bầy đàn đông đúc và phức tạp như khỉ đầu chó”. Bà cũng nhấn mạnh rằng các cá thể linh cẩu đốm tồn tại trong một môi trường xã hội đông đúc nhất so với bất kì loài động vật ăn thịt nào. “Chúng ta đang nói đến một bầy linh cẩu có khoảng 60 đến 80 cá thể trong khi chúng đều nhận biết nhau một cách rõ ràng”.
Bằng cách quét hình ảnh não của linh cẩu, các nhà khoa học có thể tìm ra cấu trúc bộ não. Những loài linh trưởng có thùy trán phát triển thì thường có xu hướng sống theo bầy đàn. (Ảnh: Nytimes) |
Để tìm hiểu tính thông minh xã hội của loài linh cẩu, tiến sĩ Holekamp và đồng nghiệp đã theo dõi các con vật từ khi sinh ra đến khi chết. Nghiên cứu tiến hành trong những cái hang nơi con non sống những tháng ngày đầu tiên bên cha mẹ chúng. Phải bò vào tận bên trong hang cũng như mạng lưới những khu vực trong lòng đất là phần việc mà tiến sĩ Holekamp ít hứng thú nhất.
Bà nói: “Nghiên cứu những con linh cẩu gặp rất ít rắc rối bởi chúng tôi biết khi nào có con mẹ trong hang và khi nào nó ở bên ngoài. Tuy vậy, bên trong biết đâu lại có một con lợn lòi sẵn sàng tặng cho bạn một cái răng nanh hay một con rắn hổ mang bành thì sao?”
Linh cẩu đốm trưởng thành hơn thường xuyên ghé thăm hang để dạy dỗ con non về thứ bậc khắt khe trong xã hội của chúng. Các đàn linh cẩu đốm đều có một con cái đầu đàn và hàng loạt những con cấp dưới. Mỗi một con non phải học chính xác vị trí thích hợp của nó trong thang bậc thứ tự của đàn và tất cả mọi cá thể linh cẩu đốm khác cũng phải thích nghi.
Hệ thống thứ bậc bản thân nó đã chứng minh rất sống động khi giờ ăn đến. Nếu một hoặc hai con trong đàn săn mồi, các thành viên khác cùng đàn sẽ tham dự để cùng chiến đấu với con mồi. Nhưng con cái đầu đàn bao giờ cũng giành phần thắng.
Tiến sĩ Holekamp cho biết: “Con cái đầu đàn có thể tham dự vào bất cứ cuộc săn mồi nào và ăn bao nhiêu nó muốn”.
Tuy nhiên, cũng có lúc cả đàn linh cẩu tụ họp với nhau. Bầy linh cẩu đốm thường đi dọc theo biên giới lãnh địa rồi đánh dấu bằng nước tiểu. Nếu có vụ đi săn nào xảy ra gần biên giới thì một cuộc xung đột với bầy linh cẩu láng giềng có thể nổ ra. Tiến sĩ Holekamp cho biết: “Khi xảy ra tranh chấp lãnh địa, tất cả các cá thể không liên quan cũng tham gia vào hoặc bầy nọ hoặc bầy kia trong trận chiến lãnh thổ”.
Kay E. Holekamp thuộc đại học bang Michigan mới đây đã tìm hiểu về đời sống của loài linh cẩu đốm tại Kenya giúp tìm ra mối quan hệ giữa kích thước bộ nào và tính xã hội. (Ảnh: Nytimes) |
Theo tiến sĩ Holekamp, điều làm sáng tỏ tính phức tạp xã hội của loài linh cẩu đốm chính là họ hàng của chúng. Linh cẩu đốm nằm trong đại gia đình chia làm 4 loài, ba loài khác sống trong một xã hội rất khác biệt.
Ví dụ như, loài linh cẩu nâu sống theo bầy đàn nhỏ hơn với số lương khoảng 14 cá thể. Mặc dù các nhà khoa học hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về loài linh cẩu nâu, nhưng dường như một số bầy linh cẩu nâu cũng sống theo thứ bậc trong khi ở một số bầy khác thì các cá thể lại sống bình đẳng hơn.
Loài linh cẩu sọc còn sống trong nhóm nhỏ hơn nữa, chỉ bao gồm có 1 con cái và không nhiều hơn 3 con đực trưởng thành. Các con đực giao phối với con cái, ngoài ra chúng dường như không còn việc gì khác để làm với cô nàng nữa.
Loài sống đơn độc nhất trong số họ hàng của linh cẩu đốm là chó sói đất. Thay vì săn mồi hay ăn xác thôi, chúng lại chuyển sang chế độ “ăn kiêng” từ những con mối. Chó sói đực và cái sống theo từng đôi riêng lẻ, chăm sóc con non và bảo vệ những tổ mối của chúng khỏi kẻ xâm nhập.
Tiến sĩ Holekamp băn khoăn liệu hệ thống trật tự xã hội này có được phản ánh trong cấu trúc não của linh cẩu hay không. Điều này thì lại không hề dễ để kiểm định. Bà cho biết: “Bộ não không giống những con linh cẩu nằm trên đồng cỏ Xavan. Thật sự là rất khó để kiểm soát được chúng”.
Trong khi việc tìm hiểu bộ não nguyên vẹn của linh cẩu vô cùng khó khăn thì thao tác với sọ của loài động vật này lại không hề khó đến thế. Bằng cách áp dụng phương pháp chụp cắt lớp sọ của linh cẩu, cấu trúc 3 chiều của bộ não bên trong có thể được tái dựng. “Bạn sẽ nhìn thấy tất cả những đường rãnh hay khúc cuộn trên bề mặt não”, tiến sĩ Holekamp phát biểu.
Trong vài tháng gần đây, tiến sĩ Holekamp đã cộng tác với Sharleen Sakai và Barbara Lundrigan (thuộc bang Michigan) trong quá trình khảo sát hàng chục mẫu sọ não của cả 4 loài trong đại gia đình linh cẩu. Kết quả sơ bộ cho thấy linh cẩu cũng tuân theo cùng một quy tắc như động vật linh trưởng.
Cũng theo tiến sĩ Holekamp, “đây chính là điều mà giả thuyết về tính phức tạp xã hội nên trình bày. Những con linh cẩu sống trong hệ thống xã hội đơn giản nhất thì có thùy trán phát triển ít nhất. Linh cẩu đốm sống trong xã hội phức tạp nhất thì có thùy trán phát triển lớn nhất. Loài linh cẩu nâu và linh cẩu sọc có hệ thống xã hội phát triển ở mức vừa phải thì cũng có thùy trán phát triển ở mức trung bình.”
Joan Silk – chuyên gia nghiên cứu đời sống của loài khỉ thuộc đại học California (Los Angeles) – đã ca ngợi nghiên cứu của tiến sĩ Holekamp và cho rằng nó “có liên quan trực tiếp tới hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc của tính phức tạp trong xã hội cũng như tính thông minh xã hội”.
Mặc dù trí thông minh của loài linh cẩu có thể tương tự như trí thông minh của các loài động vật linh trưởng, nhưng tiến sĩ Holekamp cũng phải bối rối với những điểm khác biệt. Động vật linh trưởng vốn rất tò mò, trong khi bà không nhận thấy nhiều dấu hiệu của tính sáng tạo ở linh cẩu. Bà nói: “Có thể đó không hẳn là một câu hỏi công bằng. Có lẽ chúng ta sẽ phải đặt ra câu hỏi này trong mối quan hệ với các loài ăn thịt khác – trong môi trường đó chúng ta mong muốn loài linh cẩu phải cực kì tò mò và sáng tạo”.
Để có được câu trả lời cho câu hỏi, tiến sĩ Holekamp cùng đồng nghiệp đã và đang tiến hành thí nghiệm về trí thông minh ở những con linh cẩu hoang dã. Các nhà khoa học đã đặt miếng thịt trong những chiếc hộp rồi để ở trên đồng cỏ Xavan. Tiến sĩ Holekamp kể: “Con linh cẩu có thể nhìn và ngửi thấy, nhưng nó không thể lấy miếng thịt trừ phi nó tìm ra cách để kéo cái then từ bên phải sang bên trái làm cửa mở”.
Tiến sĩ Holekamp hy vọng sẽ biết được những con linh cẩu sáng tạo như thế nào so với các loài ăn thịt khác. Có thể bên cạnh tính phức tạp xã hội, trí thông minh cũng đã tiến hóa theo một cách nào đó. “Con vật sẽ được ưu tiên phát triển tính sáng tạo nếu đặc tính đó giúp nó lấy được thức ăn bất kể nó sống trong bầy đàn hay đơn lẻ”.
Bằng cách so sánh giữa linh cẩu và động vật linh trưởng cũng như các loài động vật có vú khác, tiến sĩ Holekamp tin rằng bà sẽ có được một bức tranh hoàn chỉnh về quá trình tiến hóa của trí thông minh. Bà cho biết: “Mặc dù giả thuyết phần óc xã hội có một cơ sở ủng hộ vô cùng lớn, nhưng tôi vẫn tin rằng để hiểu được nguồn gốc của trí thông minh, chúng ta phải suy nghĩ sâu rộng hơn giả thuyết đó”.
Đời sống xã hội của những chú linh cẩu đốm (Ảnh: Nytimes)