Tộc người ở Đông Nam Á mang dòng máu loài người khác "đậm" nhất thể giới
Nghiên cứu mới từ Thụy Điển cho thấy người Ayta Magbukon ở Philippines có tỉ lệ DNA thừa hưởng từ loài người đã tuyệt chủng Denisovans cao nhất thể thế giới.
Công trình dẫn đầu bởi Đại học Uppsala (Thụy Điển) cho thấy Philppines là vùng đất kỳ diệu, nơi rất nhiều loài người cổ đại đã sinh sống từ trước khi người Homo sapines, tổ tiên của chúng ta xuất hiện.
Sự đa dạng về các loài thuộc chi Người nơi đây đã đưa đến nhiều cuộc hôn phối dị chủng, trong đó có những cuộc hôn phối giữa Homo sapiens vừa đến khai phá và nhiều loài người sống ở đó từ lâu, trong đó có "người anh em" Denisovans.
Người Denisovans - (Ảnh: Sci-News)
"Tương tác với người Neanderthals, người Denisovans và những loài thuộc chi Người cổ xưa khác đã để lại dấu vết di truyền không thể xóa nhòa trong bộ gene của các quần thể ngày nay" - tờ Sci-News trích dẫn khẳng định từ nhóm nghiên cứu.
Người Autralopapuans, tức nhóm dân cư trú ở khu vực châu Úc và Nam Á từ trước khi 2 lục địa hoàn toàn chia tách, được cho là thừa hưởng nguồn gene Denisovans nhiều nhất.
Trong nghiên cứu mới, tiến sĩ Maximilan Larena và các cộng sự từ Đại học Uppsala đã thiết lập lịch sử nhân khẩu học của Philippines bằng cách điều tra toàn diện về tổ tiên cổ xưa của 1.107 cá nhân từ 118 nhóm dân tộc khác nhau của đất nước này.
Theo Daily Mail, kết quả cho thấy người Ayta Magbukon, đang định cư ở khu vực bán đảo Batan của Philippines, có nhiều DNA Denisovans hơn cả, với khoảng 5% trong bộ gene, cao hơn những nhóm người mang đậm yếu tố Denisovans khác ở Papuans và Úc khoảng 30-40%.
Phát hiện này một lần nữa chứng minh lịch sử tiến hóa phức tạp của chi Người. Theo các nghiên cứu trước đây, đa phần các cuộc hôn phối dị chủng mang lại những điều có lợi cho con cháu về sau, ví dụ như người Bắc Âu, 2% yếu tố Neanderthals của họ đem đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm, cũng như khả năng sinh sản thuận lợi hơn các Homo sapiens "thuần chủng".