TP.HCM khẩn cấp đối phó dịch Zika
Chiều 19/10, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp triển khai phòng, chống dịch bệnh Zika với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế cùng các sở, ban ngành và các bệnh viện trọng điểm.
Phân loại các vùng nguy cơ
PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra giám sát, Sở đã chỉ đạo triển khai xác định và can thiệp vùng nguy cơ dựa trên chỉ số lăng quăng, chỉ số muỗi và phân loại thành các vùng nguy cơ cao, nguy cơ vừa và nguy cơ thấp. Kết quả ghi nhận tại tám quận, huyện trọng điểm cho thấy: Vùng nguy cơ cao tập trung tại Bình Chánh (98%), Thủ Đức (70%), Hóc Môn (53%); vùng nguy cơ vừa tập trung tại Tân Phú, quận 8, Tân Bình.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp với Viện Pasteur thực hiện tầm soát ca bệnh tại 30 bệnh viện trên địa bàn toàn TP. Từ tháng 4 đến nay, các bệnh viện đã chuyển được gần 800 mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur. Bên cạnh đó, nhằm phòng, chống di chứng tật đầu nhỏ, các bệnh viện sẽ chú trọng phát hiện thai phụ có triệu chứng Zika để quản lý, theo dõi thai nhi và trẻ sơ sinh; tăng cường tầm soát phát hiện sớm để tránh dị tật đầu nhỏ khi sinh ra; phát hiện não thai bẩm sinh bất thường trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh...
Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương TP.HCM, đối với những trường hợp nghi ngờ Zika đều đưa đi xét nghiệm, nếu là phụ nữ mang thai phải được tầm soát quá trình dị tật đầu nhỏ qua việc siêu âm, đo đường kính chu vi đầu so với xương đùi. Tuy nhiên, để tránh làm hoang mang cho các sản phụ, bệnh viện sẽ tư vấn rõ ràng các triệu chứng cho phụ nữ như sốt, phát ban, mệt mỏi... trong thai kỳ mới nên làm xét nghiệm.
Các thai phụ có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Zika sẽ được bệnh viện tư vấn cách xét nghiệm để tầm soát di tật đầu nhỏ. (Ảnh: HTD).
Phối hợp chặt chẽ với các phòng khám
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, TP vừa phát hiện thêm một ca bệnh mắc Zika tại quận 5, nâng tổng số ca bệnh do virus Zika tại TP.HCM lên năm ca (hai trường hợp tại quận 2, ba trường hợp còn lại tại quận 9, quận 12 và quận 5, mỗi nơi một ca).
Riêng tại quận 2, BS Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận, cho biết cả hai trường hợp mắc Zika ở quận 2 đều do ngành y tế quận chủ động phát hiện.
Theo ông Phước, bệnh nhân ngụ phường An Phú là nữ (22 tuổi), làm nghề buôn bán. Ngày 11/10, bệnh nhân có hiện tượng sốt phát ban nên đến phòng khám địa phương. "Do được triển khai trước đó nên phòng khám chủ động lấy mẫu máu bệnh nhân và gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm. Sau khi có kết quả chính thức bệnh nhân nhiễm virus Zika, Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 tiến hành điều tra và giám sát ca bệnh" - BS Phước nói.
Kết quả điều tra cho thấy trong bán kính 200m nơi bệnh nhân ở có nhiều điểm đọng nước. Do vậy, ngành y tế huy động nguồn lực tổng vệ sinh liên tục bốn tuần, đồng thời phun hóa chất diệt muỗi và lăng quăng.
"Giám sát dịch bệnh tại các phòng khám tư nhân rất quan trọng. Do đó ngành y tế cũng nên phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện với các đơn vị này để chủ động phát hiện và kịp thời xử lý ca bệnh mới" - BS Phước đề xuất.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết sau khi nhận thông tin về các trường hợp nghi ngờ bệnh do virus Zika trong hệ thống giám sát, trung tâm phối hợp với y tế dự phòng quận tiến hành điều tra dịch tễ tại nhà và quanh khu vực bệnh nhân ở. Đồng thời phun hóa chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông và tư vấn phòng bệnh trực tiếp cho thai phụ trong phạm vi ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh mới cũng được triển khai ngay.
- TP.HCM chính thức công bố dịch zika