Trận động đất khiến gạch lát Tử Cấm Thành nứt vỡ, bí mật chôn vùi 600 năm dưới nền nhà được hé lộ
Khi những người thợ sửa chữa lật lớp gạch lát nền của điện Thái Hòa, họ bất ngờ nhận ra bên dưới không phải mặt đất.
Tử Cấm Thành (Cố Cung) ở Bắc Kinh, Trung Quốc là một trong những địa điểm bí ẩn nhất tại đất nước tỷ dân, đây từng là nơi sinh sống và làm việc của 24 vị hoàng đế dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh, với tổng diện tích 720.000 mét vuông, diện tích xây dựng 150.000 mét vuông.
Mỗi cổ vật được khai quật bên trong Tử Cấm Thành đều có giá trị và mang theo những câu chuyện lịch sử riêng nên ngay cả gạch ngói ở đây cũng đáng để hậu thế nghiên cứu.
Gạch lát nền Tử Cấm Thành được làm bằng loại bùn vàng ở vùng Lục Mộ, Giang Tô, sử dụng công nghệ đặc biệt trong lò nung hoàng gia. Dân gian thường gọi vui đây là "gạch vàng" bởi viên gạch làm ra rất tốn kém, bề mặt được mài đến sáng bóng và khi gõ vào còn có âm thanh như vàng miếng.
Một cặp "gạch vàng" trong Tử Cấm Thành từ thời Minh Thành Tổ có giá tới 800.000 NDT. (Ảnh: Sohu).
Cuốn bách khoa toàn thư "Thiên công khai vật" của triều Minh miêu tả quy trình nung gạch lát sàn cho Cố Cung bao gồm 20 bước như chọn nguyên liệu, ướp lạnh, xay bột, rây bột... đảm bảo những yêu cầu khắt khe, nếu có bước nào thực hiện không đúng thì mọi công sức trước đó đều như "đổ sông đổ bể".
Tổng thời gian hoàn thành một viên gạch ước tính khoảng 720 ngày. Những lô gạch quý sau đó được vận chuyển bằng tàu riêng, treo cờ rồng, các quan địa phương phải cử người ra chào đón, dẫn vào trong cung điện.
Nền đất được lát bằng gạch vàng rất kiên cố, còn có tác dụng làm ấm về mùa đông và hạ nhiệt vào mùa hè; sàn có thể tự cân bằng điều kiện khô và ướt trong không khí để không bị ẩm ướt vào những ngày trời nồm.
Bí mật chôn vùi dưới nền nhà
Vào lúc 3 giờ 42 phút ngày 28/7/1976, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã xảy ra tại Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Trận động tất chỉ diễn ra trong vòng 23 giây nhưng lại biến những khu vực lân cận trở thành đống đổ nát, Tử Cấm Thành cách đó hàng trăm dặm cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù không có thiệt hại nào quá nghiêm trọng nhưng gạch lát nền của điện Thái Hòa (cung điện lớn nhất bên trong Tử Cấm Thành) và sân điện đã bị nứt vỡ.
Không ai ngờ bên dưới điện Thái Hòa lại là bức "tường thành" kiên cố. (Ảnh: Sohu).
Khi các chuyên gia và đội sửa chữa đến hiện trường, họ thu dọn những mảnh vỡ và lật lớp gạch nền lên để lát lại. Lúc này, đội công nhân xây dựng mới sững sờ nhận ra bên dưới lớp nền vỡ không phải mặt đất mà là một lớp gạch lát giống y hệt.
Sau khi các chuyên gia bắt tay vào điều tra, họ xác nhận nền của điện Thái Hòa không chỉ có 2 mà được lát tới 15 lớp gạch thẳng tắp chồng lên nhau, chất lượng của mỗi viên gạch đều giống nhau.
Nhóm chuyên gia đã vô cùng bối rối, tại sao lại có nhiều gạch lát bên dưới điện Thái Hòa đến vậy? Sau khi xem xét các tài liệu lịch sử, chuyên gia cho rằng nguyên nhân hợp lý nhất cho thiết kế này chính là để bảo vệ hoàng đế: 15 tầng gạch bên dưới Tử Cấm Thành sẽ đóng vai trò như một lớp phòng vệ kiên cố, ngăn chặn sát thủ đào đường hầm vào ám sát hoàng đế.
Nguyên nhân đằng sau thiết kế đặc biệt này vẫn còn gây tranh cãi. (Ảnh: Toutiao).
Tác giả của thiết kế đặc biệt này được cho là hoàng đế Minh Thành Tổ, chủ nhân đầu tiên của Tử Cấm Thành.
Các nhà sử học cho rằng Minh Thành Tổ vì lo sợ vị vua tiền nhiệm Minh Huệ Đế (người bị ông cướp ngôi) quay lại trả thù nên đã tìm mọi cách để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người không tin vào giả thuyết này. Họ cho rằng hoàng đế trong cung đã được bảo vệ rất cẩn mật rồi, việc xây một lớp "tường thành" bên dưới sàn là không cần thiết. Có lẽ 15 tầng gạch chỉ đơn giản là do Tử Cấm Thành trải qua nhiều vụ hỏa hoạn, nền bị hư hỏng nên những đời sau lát lớp gạch khác lên thay thế mà thôi.