Tranh cãi sau món tiền thưởng "khủng" của giới khoa học Trung Quốc
Tiền thưởng lớn cho các công trình nghiên cứu được đăng có thể ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của giới khoa học Trung Quốc.
Phương thức khen thưởng tài chính cho các bài viết học thuật đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài đã góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trong cộng đồng khoa học quốc tế, theo South China Morning Post. Nhưng một nghiên cứu công bố đầu tháng 7 cho rằng những khoản tiền thưởng này có thể khiến các nhà khoa học quan tâm đến vấn đề tài chính hơn là tính chính xác trong các công trình nghiên cứu.
Chen Bikun, phó giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh, Trung Quốc, đã xem xét chính sách khen thưởng khác nhau được áp dụng bởi 100 trường đại học ở Trung Quốc trong 17 năm qua.
Kết quả cho thấy, từ năm 1999 đến 2016, các viện sĩ Trung Quốc được nhận khoảng 30-165.000 USD cho mỗi bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Số tiền thưởng tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua. Chẳng hạn như tiền thưởng trung bình cho mỗi bài viết đăng trên tạp chí Nature hoặc Science tăng 67%, từ 26.212 USD vào năm 2008 lên 43.783 USD vào năm 2016, gấp 20 lần lương cả năm của giáo sư.
Tháng trước, nhóm nghiên cứu của giáo sư Chen Xuewei và cộng sự tại Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, Trung Quốc, nhận thưởng hai triệu USD cho một bài báo đăng trên tạp chí Cell nói về phương pháp trị nấm trên cây lúa. Số tiền này gấp hai lần tiền thưởng của giải Nobel năm 2016.
Tiền thưởng cao có thể làm giảm chất lượng nhiều công trình nghiên cứu ở Trung Quốc. (Ảnh: Stephen Chen).
Kết quả nghiên cứu của Xuewei và đồng nghiệp rất đáng tin cậy, nhưng khoản tiền khổng lồ mà họ nhận được đã trở thành đề tài bàn luận trên khắp thế giới, làm dấy lên câu hỏi về việc có nên dùng những khoản tiền khổng lồ để thưởng cho nghiên cứu của các nhà khoa học.
Tại Trung Quốc, Đại học Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô là nơi đầu tiên tiến hành phương thức khen thưởng bằng tiền cho các bài báo khoa học vào thập niên 1990, theo nghiên cứu của Chen. Các trường đại học khác nhanh chóng bắt chước và đưa ra kế hoạch khen thưởng của riêng mình.
Dù phần thưởng ban đầu chỉ là 25 USD, nó đã làm gia tăng đột biến số lượng bài báo khoa học của các trường đại học nổi tiếng ở Trung Quốc. Theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), số lượng bài báo công bố quốc tế tăng lên 17 lần giữa các năm 1996 và 2014, từ 13.134 lên 232.070 bài báo.
"Ưu đãi về tài chính thường được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh để thưởng cho nhân viên có thành tích xuất sắc. Nhưng bây giờ nhiều trường đại học tại Trung Quốc đang thưởng tiền cho các nhà khoa học về những thành tựu nhiên cứu của họ", Chen nói.
Chen cho biết chính sách khen thưởng của Trung Quốc đã khá thành công, do số lượng bài báo công bố quốc tế của quốc gia này tăng lên theo cấp số mũ trong 20 năm qua. Nhưng đã xuất hiện tình trạng nhiều học giả Trung Quốc gửi bài viết đến các tạp chí quốc tế để lấy tiền tưởng hơn là phổ biến kiến thức và được cộng đồng khoa học công nhận.
Chen dẫn trường hợp một nhà khoa học vật liệu tại Đại học Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, có hơn 250 bài báo đăng trên một tạp chí duy nhất trong giai đoạn 2004-2009 và ẵm hơn một nửa tổng số tiền thưởng của Đại học Hắc Long Giang.
Cùng với việc đăng dồn dập các bài viết trên tạp chí quốc tế, những lần chỉnh lý của các nhà khoa học Trung Quốc với công trình nghiên cứu của mình cũng tăng đáng kể. Năm 2016, có 1.234 lần hiệu chỉnh trong các bài báo khoa học Trung Quốc, trong khi vào năm 1996 con số này chỉ là hai. Những số liệu trên được công bố trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối lo ngại về tính gian lận học thuật ở Trung Quốc bao gồm đạo văn, kết quả không trung thực, giấy tờ giả mạo.
"Điều đó khiến các nhà khoa học phương Tây phải nhíu mày, bởi họ coi hình thức thưởng tiền này là điều chướng mắt", bài bình luận trên tạp chí MIT Technology Review tuần trước nhấn mạnh. "Với họ, khoa học được tôn sùng như cuộc tìm kiếm sự thật không thể bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân".