Trung Quốc mở rộng dịch vụ định vị ra khắp châu Á
Hệ thống định vị của Trung Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ hôm qua.
Beidou, tên hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc, là một đối thủ cạnh tranh của hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Trước đây, chỉ chính phủ và quân đội Trung Quốc sử dụng hệ thống Beidou để dự báo thời tiết, kiểm soát giao thông và hỗ trợ hoạt động cứu nạn.
Hình minh họa các vệ tinh trong hệ thống định vị toàn cầu Beidou của Trung Quốc.
Nhưng từ hôm 27/12, Cơ quan Định vị vệ tinh Trung Quốc sẽ mở rộng dịch vụ ra khắp Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, China Daily đưa tin.
Ran Chengqi, giám đốc của Cơ quan Định vị vệ tinh Trung Quốc cho biết, mục tiêu trước mắt của Bắc Kinh là chiếm 70-80% thị trường định vị tại Trung Quốc vào năm 2020, đồng thời mở rộng dịch vụ ra khắp toàn cầu trong thập kỷ này.
Trung Quốc bắt đầu triển khai hệ thống định vị toàn cầu từ năm 2000 để cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Beidou sẽ có khả năng phủ sóng toàn cầu sau khi sở hữu 35 vệ tinh vào năm 2020. Tương thích với hệ thống định vị GPS của Mỹ, hệ thống Galileo của châu Âu và hệ thống Glonass của Nga, nó cho phép người sử dụng định vị chính xác trong phạm vi 10m, đo tốc độ từ 200cm/giây trở lên và cung cấp thông tin về thời gian với sai số chỉ là 2 phần trăm triệu giây.
Hiện tại 95% thiết bị định vị tại Trung Quốc sử dụng hệ thống định vị GPS của Mỹ. Chip nhận tín hiệu từ hệ thống định vị do Mỹ sản xuất có giá thành thấp hơn nhiều lần so với chip của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc tin rằng nếu giá thành giảm, nhiều nhà sản xuất thiết bị sẽ muốn tích hợp chip của Trung Quốc vào sản phẩm cùng với chip của Mỹ để tăng phạm vi và mức độ chính xác trong hoạt động định vị.