Trung Quốc ra mắt xe tải hạng nặng chạy điện đầu tiên
Trung Quốc có kế hoạch điện khí hóa đường bộ bằng các phương tiện vận tải thông minh để giảm lượng khí thải carbon.
Chiếc xe chạy thử nghiệm ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Xinhua hôm 16/3 đưa tin. Xe tải được cấp năng lượng bằng pin hoặc bằng cách kết nối với lưới điện thông qua dây dẫn trên cao. Ưu điểm chính của phương tiện là có thể sạc trong khi di chuyển, giúp nâng cao hiệu quả và tính bền vững. Hơn nữa, nó còn có tính năng phanh tái tạo, có nghĩa là điện được tạo ra do tác động phanh có thể cung cấp năng lượng trở lại hệ thống.
Xe tải điện thông minh chạy thử nghiệm trên một tuyến đường ở Sơn Tây, Trung Quốc. (Video: Xinhua).
Theo Liu Peng từ bộ phận nghiên cứu của CRRC, xe tải hạng nặng thông minh có thể được sử dụng trong vận chuyển đường dài, tại các cảng biển và thậm chí là mỏ khai thác than. Trong tương lai, phương tiện cũng được kỳ vọng sẽ có thêm tính năng lái xe tự động.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giao thông vận tải chịu trách nhiệm cho 26% lượng khí thải carbon toàn cầu. Tại Trung Quốc, tổng khối lượng vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt và đường thủy năm 2022 lần lượt là 37,12 tỷ, 3,9 tỷ và 7,616 tỷ tấn. Các con số này tương ứng 76,3%, 8,0% và 15,69% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa trong cả nước.
Xe tải điện tiết kiệm năng lượng gấp hai lần so với xe động cơ diesel.
Để giảm lượng khí thải carbon, Trung Quốc đang tập trung nỗ lực vào vận tải hàng hóa đường bộ. IEA đã đề xuất rằng điện khí hóa đường bộ sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai và dự đoán đến năm 2050, 36% xe tải chở hàng hạng nặng sẽ chạy bằng điện.
Dựa trên các thí nghiệm, xe tải điện tiết kiệm năng lượng gấp hai lần so với xe động cơ diesel. Dù xe tải chỉ chiếm 3% tổng số phương tiện cơ giới trên thế giới, chúng tạo ra một lượng lớn khí thải, bao gồm carbon monoxide, carbon dioxide, hydrocarbon và nitơ oxit.