Trung Quốc sắp phóng module mới lên trạm Thiên Cung
Trung Quốc đang chuẩn bị phóng module thứ hai lên trạm vũ trụ trên quỹ đạo sau khi đưa tên lửa Trường Chinh 5B và module Vấn Thiên tới bệ phóng ở Văn Xương.
Theo dự kiến, module Vấn Thiên sẽ phóng trên tên lửa Trường Chinh 5B vào sáng sớm ngày 24/7 và ghép nối với module chính Thiên Hòa trên quỹ đạo vài giờ sau đó, đánh dấu bước tiến quan trọng trong kế hoạch xây dựng trạm Thiên Cung của Trung Quốc. Ba phi hành gia trong nhiệm vụ Thần Châu 14 hiện nay đang ở trong module Thiên Hòa chờ module mới sắp bay đến, Space hôm 20/7 đưa tin.
Tên lửa Trường Chinh 5B trên bệ phóng ở Văn Xương. (Ảnh: CFOTO)
Tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5B cao 53m chứa module Vấn Thiên đã được vận chuyển theo phương thẳng đứng từ tòa nhà lắp ráp tới bệ phóng ở ven biển đảo Hải Nam vào ngày 18/7. Tên lửa nặng 849.000kg này di chuyển qua quãng đường 2.800m đến bệ phóng sau hơn hai giờ.
Các kỹ sư sẽ tiến hành nhiều kiểm tra chức năng phóng và thử nghiệm phối hợp khác nhau trong vài ngày trước buổi phóng, theo Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA).
Module Thiên Vấn được bọc trong phần mũi hình nón dài 20,5 m. Bộ phận này sẽ tách ra khi tàu vũ trụ sắp thoát khỏi khí quyển Trái đất. Sau khi phóng, Thiên Vấn sẽ đuổi theo và ghép nối với module Thiên Hòa đang quay ở độ cao 381 km phía trên Trái đất. Tiếp đó, module này sẽ được chuyển từ cổng ghép nối ở mặt trước tới cổng ở bên cạnh, chuẩn bị sẵn sàng để vận hành. Cánh tay robot dài 10 m của module Thiên Hòa sẽ được sử dụng để đổi vị trí module Thiên Vấn.
Thiết kế của Thiên Vấn bao gồm một loạt khoang thí nghiệm nhằm tiến hành thí nghiệm khoa học trên quỹ đạo. Module cũng có phòng ngủ phụ dành cho phi hành gia trong các đợt luân chuyển, có nghĩa 6 thành viên phi hành đoàn có thể tạm thời ở trên trạm Thiên Cung.
Tên lửa Trường Chinh 5B có tầng chính đường kính 5 m và 4 động cơ đẩy phụ trợ cung cấp thêm lực đẩy, cho phép phương tiện chở hàng hóa như module nặng 22.000 kg lên trạm vũ trụ Trung Quốc. Thiên Vấn là một trong hai module phóng lên quỹ đạo trong năm nay. Trung Quốc dự định phóng module thí nghiệm khác mang tên Mộng Thiên trong tháng 10/2022. Bộ đôi module sẽ kết hợp với module chính Thiên Hòa tạo thành trạm vũ trụ hình chữ T, có thể hoạt động ít nhất một thập kỷ.