Trung Quốc xây thành công siêu đập thủy điện "thông minh": Top 3 thế giới về lượng điện, chi phí lên tới 151 nghìn tỷ
Con đập này tạo ra sản lượng điện nhiều thứ 3 thế giới và đứng thứ 2 ở Trung Quốc.
Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo vô cùng quan trọng. Và Trung Quốc là một trong những quốc gia sở hữu hệ thống các siêu đập thủy điện hùng mạnh nhất khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Được biết, thời kỳ xây dựng đập của Trung Quốc đã bắt đầu từ những năm 1950 và nhanh chóng đạt đến thời kỳ đỉnh cao.
Con đập này tạo ra sản lượng điện nhiều thứ 3 thế giới và đứng thứ 2 ở Trung Quốc.
Một trong những con đập khủng nhất của quốc gia này không thể không nhắc đến đập Xiluodu, hay còn được gọi là đập Khê Lạc Độ. Con đập này tạo ra sản lượng điện nhiều thứ 3 thế giới và đứng thứ 2 ở Trung Quốc, theo bảng xếp hạng các đập thủy điện lớn nhất toàn cầu. Nó được xây dựng bởi Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc. Theo trang web Water Technology, dự án đập này trị giá khoảng 6,2 tỷ USD (tương đương hơn 151 nghìn tỷ đồng).
Theo Xinhua, Khê Lạc Độ được xây dựng tại sông Kim Sa, một nhánh chính của sông Dương Tử, thuộc tỉnh Vân Nam. Con đập này có dung tích hồ chứa lên tới 12,67 tỷ mét khối và tổng công suất lắp đặt đạt 13,86 gigawatt. Nó cũng được trang bị tổng cộng 18 tổ máy phát thủy điện với công suất mỗi tổ máy là 770.000 kilowatt. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các tổ máy của đập Khê Lạc Độ đã được đưa vào vận hành hoàn chỉnh.
Đập Khê Lạc Độ có vai trò kiểm soát lũ lụt, phù sa và xả nước nhằm cải thiện lượng nước hạ lưu.
Được biết, Khê Lạc Độ cao 285,5 mét, dài 700 mét và có cấu hình vòm cong. Không chỉ dùng để sản xuất thủy điện, Khê Lạc Độ còn có vai trò kiểm soát lũ lụt, phù sa và xả nước theo quy định nhằm cải thiện lượng nước hạ lưu.
Theo Xinhua, các vết nứt bê tông trong đập là vấn đề nan giải trong các dự án đập thủy điện. Là một trong những dự án đập khó xây dựng và có quy mô khủng nhất Trung Quốc, Khê Lạc Độ đã áp dụng công nghệ xây dựng vô cùng thông minh và được mệnh danh là đứng top đầu trong ngành.
Đập được trang bị dày đặc hệ thống thiết bị đa dạng như máy đo ứng suất, giãn kế thanh đa điểm hay các thiết bị quan trắc để đảm bảo và cập nhật liên tục tình trạng cấu trúc, nhiệt độ hay độ ẩm của bê tông, từ đó hạn chế rủi ro nứt/vỡ có thể xảy ra. Nó cũng được lắp đặt hệ thống quản lý thông minh giúp người giám sát trực tiếp và người quản lý ở xa có thể nắm bắt được tình hình của đập - sau đó thực hiện các hoạt động điều chỉnh.
Theo Xinhua, kể từ khi đưa vào vận hành năm 2014, đập thủy điện Khê Lạc Độ luôn vận hành trơn tru.