Tương lai của Olympic mùa đông là không còn mùa đông
Khí hậu ấm lên đồng nghĩa việc tìm địa điểm thích hợp để tổ chức các kỳ Olympic mùa đông trong tương lai sẽ ngày càng khó khăn. Thi đấu trong nhà sẽ là một lựa chọn khả dĩ.
Vào thập niên 2080, chỉ còn một thành phố (là Sapporo, Nhật Bản) trong số 21 địa điểm từng là nơi tổ chức Olympic mùa đông vẫn tiếp tục phù hợp để đăng cai sự kiện này. Dự đoán trên là kết quả của một nghiên cứu từ Đại học Waterloo trong kịch bản lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức độ hiện tại.
Sáu thành phố được xếp vào mức "tạm ổn", trong khi 14 thành phố sẽ được coi là "không đáng tin cậy" - nghĩa là không thể đáp ứng các điều kiện về lượng tuyết và độ an toàn cho các vận động viên.
Ngay cả khi lượng khí phát thải đã giảm đáng kể, trên dãy Alps, chỉ Albertville - ở độ cao 2.100m so với mực nước biển - vẫn là địa điểm đáng tin cậy (trong ba mức đáng tin cậy - tạm ổn - không đáng tin cậy) để đăng cai Olympic mùa đông vào giữa thế kỷ này. Dãy Alps là nơi mà nhiều kỳ Thế vận hội mùa đông đã được tổ chức, bao gồm cả lần đầu tiên vào năm 1924.
Các chỉ dấu về khí hậu
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát có sự tham gia của 339 vận động viên và huấn luyện viên ưu tú để đưa ra bốn chỉ dấu về khí hậu giúp dự đoán các điều kiện không đảm bảo công bằng và an toàn tại các trận đấu thể thao trên tuyết. Các chỉ dấu gồm: nhiệt độ cao hoặc thấp ở mức không thể chấp nhận được, mưa, tuyết ướt, và độ phủ của lớp tuyết tự nhiên ở mức thấp.
Nghiên cứu cho thấy tần suất xuất hiện của các chỉ dấu về khí hậu đề cập ở trên đã tăng lên trong 50 năm qua tại các địa điểm trước đây từng đăng cai Thế vận hội mùa đông, và xu hướng này có khả năng vẫn tiếp diễn.
“Không có môn thể thao nào có thể thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Việc đạt được các mục tiêu của hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là rất quan trọng để giúp các môn thể thao trên tuyết vẫn tiếp tục tồn tại dưới dạng chúng ta đang thấy ngày nay. Cũng như đảm bảo có các địa điểm phù hợp để tổ chức Olympic mùa đông ở khắp nơi trên thế giới”, Daniel Scott - người đứng đầu nhóm nghiên cứu - cho biết.
Các điều kiện xấu về khí hậu có ảnh hưởng tiêu cực đến những sự kiện thể thao. Điều này được thấy rõ tại Giải vô địch trượt tuyết thế giới FIS Alpine ở Zagreb, Croatia diễn ra hồi tháng 1. Nhiệt độ cao cùng với tình trạng thiếu tuyết đã buộc ban tổ chức phải hủy bỏ thi đấu ở nội dung trượt tuyết slalom nam chỉ sau lượt thi của 19 vận động viên. Trong đó, vận động viên từng giành huy chương đồng Olympic người Pháp Victor Muffat-Jeandet đã bị chấn thương ở mắt cá chân.
Victor Muffat-Jeandet thi đấu tại Giải trượt tuyết thế giới dành FIS Alpine ở Zagreb, Croatia ngày 5/1. (Ảnh: Anze Malovrh/Agence Zoom).
Tương tự, điều kiện xấu về khí hậu tại trận thi đấu ở nội dung trượt tuyết slalom nữ được cho là đã mang lại lợi thế đáng kể cho những vận động viên có lượt thi trước. Lý do là tình trạng của đường trượt xấu đi sau từng lượt thi. Petra Vlhová - vận động viên xuất phát đầu tiên - đã giành chiến thắng tại sự kiện này, và chỉ có 22 trong số 60 vận động viên tham gia thi đấu hoàn thành được phần thi.
Nhiệt độ được ghi nhận tại các kỳ Thế vận hội mùa đông đã tăng đều đặn. Từ mức trung bình 0,4 độ C trong những những năm 1920-1950 lên 3,1 độ C trong những năm 1960-1990 và 6,3 độ C trong thế kỷ 21. Điều này khiến các thành phố đăng cai Olympic phải thực hiện các biện pháp quyết liệt chưa từng có để đảm bảo Thế vận hội diễn ra thành công.
Năm 2010, Vancouver đã sử dụng đến máy bay trực thăng để vận chuyển tuyết khi tổ chức Olympic. Năm 2014, Sochi - thành phố ấm nhất từng đăng cai Thế vận hội mùa đông - phải tích trữ hàng tấn tuyết từ mùa đông trước để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Thế vận hội mùa đông diễn ra ở Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với những lo ngại về các tác động đối với môi trường. Các trận thi đấu sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tuyết nhân tạo. Quá trình tạo tuyết ước tính cần sử dụng hơn 185 triệu lít nước, gây áp lực lớn lên lượng nước dự trữ của cư dân trong khu vực.
Súng bắn tuyết đang hoạt động để chuẩn bị cho sự kiện Olympic Bắc Kinh tại Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 21/12/2021. (Ảnh: Carlos García Rawlins/Reuters).
Tương lai các môn thể thao trên tuyết
Lesley McKenna, vận động viên trượt tuyết ba lần đại diện Vương quốc Anh tham dự Olympic, đã chứng kiến những thay đổi lớn trong 30 năm qua. “Những thay đổi thực sự đáng lo ngại trên nhiều cấp độ”, cô nói. Thời tiết ngày càng thất thường so với lúc cô vừa bắt đầu sự nghiệp, do vậy các kế hoạch cần linh hoạt hơn nếu muốn tìm được một địa điểm luyện tập tốt. Theo cô, mọi thứ đang dần trở nên hạn chế và tốn nhiều nguồn lực hơn.
Rosie Brennan, vận động viên trượt tuyết việt dã trong đội tuyển Olympic Mỹ, nói với NPR rằng khí hậu ấm lên đồng nghĩa các môn thể thao mùa đông phải phụ thuộc nhiều hơn vào tuyết nhân tạo. Tuy nhiên, "tuyết nhân tạo không giống với tuyết tự nhiên. Nó cứng hơn nhiều, đóng băng nhanh hơn và tốc độ trượt trên tuyết nhân tạo cũng nhanh hơn", điều đó khiến vận động viên dễ gặp phải chấn thương.
Vận động viên Rosie Brennan đang thi đấu tại Dobbiaco (Toblach), Italy vào ngày 5/1/2021. (Ảnh: Alessandro Trovati/AP).
Sören Ronge, một nhà hoạt động tại dự án Protect Our Winters Europe (tạm dịch: Bảo vệ mùa đông cho châu Âu), nói với Guardian: "Nếu không hành động để giảm thiểu biến đổi khí hậu, về lâu dài nhiều khu vực sẽ phải nói lời chia tay với các môn thể thao mùa đông. Các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nằm ở độ cao thấp hơn sẽ cảm nhận điều này trước tiên, và nhiều khu nghỉ dưỡng đã buộc phải đóng cửa".
Có thể đến một lúc các trận thi đấu ngoài trời phải di chuyển vào trong nhà hoặc được tổ chức vào một thời điểm khác trong năm để thích ứng với việc khí hậu ngày càng ấm lên, ông Scott cho biết.
Một số quốc gia có khí hậu nóng đã xây dựng các khu trượt tuyết trong nhà. Dubai là thành phố đầu tiên ở khu vực Trung Đông mở khu trượt tuyết trong nhà và sáu năm liên tiếp nhận danh hiệu khu trượt tuyết trong nhà tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra trên quy mô lớn, Brennan nói rằng lý do chính khiến cô yêu thích môn trượt tuyết sẽ mất đi. "Tôi thích ở trên núi, tôi thích hòa mình vào thiên nhiên. Tôi thích ở một mình trên con đường mòn, cảm nhận hơi thở của chính mình. Và những điều đó không thể có khi bạn ở trong nhà".
Thực khách đang dùng bữa tại một nhà hàng Lebanon, nhìn ra khu trượt tuyết trong nhà tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) năm 2012. (Ảnh: Kamran Jebreili/AP).
Một số khuyến nghị đã được đưa ra để những kỳ Thế vận hội sau diễn ra một cách bền vững hơn.
Chẳng hạn, giảm tần suất tổ chức các kỳ Olympic và chọn một hoặc một vài thành phố luân phiên đăng cai Thế vận hội để tái sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có. Bên cạnh đó, nên giảm các nội dung thi đấu cũng như số vận động viên tham dự trong mỗi kỳ Olympic. Cũng như giới hạn du khách đến xem Thế vận hội để giảm phát thải từ các phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, theo Sven Daniel Wolfe - công tác tại Đại học Lausanne, cơ hội để một quốc gia chứng tỏ vị thế của mình trên trường thế giới là rất quý giá, và các quốc gia khó có thể bỏ qua thời cơ này.
- "Mặt tối" của tuyết nhân tạo trong Olympic mùa Đông Bắc Kinh
- Xây làng Olympic, đào được cung điện 800 năm đầy kho báu
- Đỉnh núi phủ tuyết nhân tạo Olympic nhìn từ vũ trụ