Vào lớp phi hành gia NASA khó hơn đỗ Harvard trăm lần
Khoảng 8 đến 14 người được chọn từ hơn 18.300 ứng viên đăng ký vào lớp phi hành gia năm 2017 của NASA. Tỷ lệ trúng tuyển ở mức 0,04% đến 0,08%, khó hơn vào ĐH Harvard cả trăm lần.
Trong đợt tuyển sinh cho khóa 2017, hơn 18.300 thí sinh cạnh tranh để giành từ 8 đến 14 suất học tại lớp phi hành gia của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ), theo Business Insider.
Nếu NASA nhận 14 người, tỷ lệ trúng tuyển sẽ là 0,08%. Trong khi đó, năm 2014, Harvard, một trong những trường cạnh tranh nhất thế giới, nhận 5,9% số thí sinh nộp đơn vào trường.
Năm nay, NASA chỉ chọn 8 đến 14 thí sinh trong số hơn 18.300 hồ sơ ứng tuyển. (Ảnh: NASA).
Ứng viên là những người xuất sắc nhất.
Ngày 14/12/2015, NASA công bố tuyển sinh lớp phi hành gia trên USAJOBS.
"NASA đang tiến hành hành trình đầy tham vọng lên sao Hỏa và chúng tôi cần tìm kiếm những người tài năng từ mọi tầng lớp, mọi vùng miền trên cả nước Mỹ. NASA đã khởi động mùa tuyển sinh cho khóa đào tạo phi hành gia năm 2017, nơi sản sinh những người Mỹ phi thường sẽ tạo ra bước tiến khổng lồ trong quá trình khám phá vũ trụ. Khóa này sẽ phục vụ cho hành trình chinh phục sao Hỏa", cựu phi hành gia Charles Bolden, Giám đốc NASA, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Để trở thành một trong số 14 học viên của NASA, thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu: Là công dân Mỹ; Có bằng cử nhân từ một cơ sở học thuật được công nhận trong các lĩnh vực kỹ thuật, Khoa học Sinh học, Khoa học Vật lý, Toán, Khoa học Máy tính (thí sinh có thể bổ sung bằng trong đợt tuyển sinh); Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm chuyên môn, làm công việc liên quan hoặc 1.000 giờ điều khiển máy bay phản lực.
NASA ưu tiên những thí sinh có bằng nâng cao.
Stephanie Schierholz, phát ngôn viên của NASA, giải thích, họ muốn tuyển chọn những người tốt, thông minh nhất, đồng thời cân nhắc sự đa dạng chuyên môn.
"Thứ chúng tôi tìm kiếm không chỉ là bằng cấp. Chúng tôi muốn các thành viên phi hành đoàn xuất thân từ nhiều ngành, am hiểu nhiều lĩnh vực", bà Stephanie Schierholz nói.
Quá trình nộp hồ sơ ứng tuyển kết thúc hôm 18/2/2016. Số lượng thí sinh tăng gấp ba so với đợt tuyển sinh năm 2012.
Schierholz cho biết, NASA đoán trước lượng người ứng tuyển tăng mạnh, bởi kế hoạch đặt chân lên sao Hỏa trong thập niên 30 sắp tới thu hút sự chú ý mạnh mẽ của người dân. Cùng với đó, cơ quan này cũng tăng cường thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, họ vẫn bất ngờ trước con số hơn 18.300 bộ hồ sơ.
Quá trình tuyển chọn phi hành gia rất khắt khe. (Ảnh: NASA).
Quá trình sơ tuyển đánh trượt gần hết thí sinh
Từ cuối tháng 2 đến tháng 9/2016, NASA sẽ cử nhân viên đánh giá từng thí sinh.
Schierholz cho hay, nhân viên thuộc tất cả các phòng ban khác nhau, bao gồm nhân viên phòng nhân sự và phòng du hành vũ trụ, sẽ thành lập từng đội để tiến hành vòng sơ tuyển. Họ chọn lọc, loại bớt ứng viên thông qua việc đánh giá trình độ giáo dục, nghiên cứu, kỹ năng ra quyết định, khả năng lãnh đạo cùng một số yếu tố khác.
Bà cho biết thêm, giám khảo vòng này cũng đánh giá mức độ đa dạng trong kinh nghiệm của thí sinh, chẳng hạn giấy phép phi công hoặc giấy phép lặn.
Trước đây, vòng sơ tuyển diễn ra khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, do số lượng ứng viên tăng cao kỷ lục, NASA sẽ thuê khoảng 40, 50 "nhà đánh giá ban đầu" để hỗ trợ công tác tuyển sinh năm nay. Ngoài ra, NASA có thể sẽ phải điều chỉnh thời gian sơ tuyển.
Tuyển chọn kỹ càng
Sau khi xem xét tất cả ứng viên, Hội đồng Tuyển sinh Phi hành gia của NASA sẽ mời 120 thí sinh được đánh giá cao nhất tới Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston để phỏng vấn, đánh giá y khoa và định hướng đối với từng người trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong vòng phỏng vấn và đánh giá ban đầu, số lượng ứng viên sẽ giảm mạnh. Những người được giữ lại sẽ tiếp tục trải qua hàng loạt đợt đánh giá thể chất, phỏng vấn bổ sung và các bài tập xây dựng nhóm. Năm 2011, chỉ 49 người đến bước này.
Tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn Harvard trăm lần
NASA sẽ chọn từ 8 đến 14 người cho lớp phi hành gia năm 2017. Nếu họ chọn 8 người, tỷ lệ trúng tuyển là 0,04%. Quá trình ứng tuyển vào đây sẽ khó gấp 148 lần so với vào Harvard. Nếu họ nhận 14 người, tỷ lệ này là 0,08%, khó hơn 74 lần.
Các phi hành gia tại NASA đều phải trải qua chặng đường gian nan. (Ảnh: NASA).
Vì thế, chặng đường trở thành học viên lớp phi hành gia của NASA cực kỳ khó khan. Tuy nhiên, đây không phải điều không thể. Phi hành gia Clayton Anderson gia nhập NASA năm 1998. Trước đó, ông từng ứng tuyển 14 lần.
Chặng đường gian nan sau khi trúng tuyển
Khoảng tháng 5/2017, Hội đồng Tuyển sinh Phi hành gia, bao gồm 15 thành viên, sẽ chọn ra 8 đến 14 người và đưa ra quyết định chính thức vào tháng 6.
Trong tháng 8, các ứng viên sẽ đến Trung tâm Vũ trụ Johnson một lần nữa để bắt đầu hai năm đào tạo ban đầu về hệ thống tàu vũ trụ, kỹ năng bước đi trong không gian và làm việc theo nhóm. Họ cũng phải học tiếng Nga cùng các kỹ năng cần thiết khác.
Kết thúc khóa đào tạo, họ được phân về một trong 4 tàu vũ trụ của NASA, bao gồm Trạm Vũ trụ Quốc tế, Tàu thăm dò không gian Orion hoặc một trong hai tàu vũ trụ thương mại do hãng Boeing đang nghiên cứu hoàn thiện (Starliner CST-100 và SpaceX Crew Dragon).
"Các tàu vũ trụ thương mại sẽ đưa 4 nhà du hành lên trạm không gian, tăng số thành viên trong phi hành đoàn tại phòng thí nghiệm quỹ đạo từ 6 đến 7 người và tăng gấp đôi thời lượng để tiến hành các nghiên cứu, công nghệ quan trọng nhằm có thêm thông tin, kiến thức phục vụ cho hành trình đặt chân lên sao Hỏa, cũng như mang lại các lợi ích cho Trái đất", NASA cho biết trong thông cáo báo chí.
Lời khuyên từ những phi hành gia đi trước
"Chúng tôi đến đây thông qua rất nhiều con đường khác nhau. Tôi chỉ muốn khuyên các bạn trẻ tìm ra thứ họ thực sự đam mê, thích làm hay một thứ gì đó để nếu không thể trở thành phi hành gia, họ cũng cảm thấy hài lòng khi nhớ lại.
Vì thế, các bạn hãy cố gắng đạt kết quả tốt nhất trong lĩnh vực đã chọn. Nhưng trong quá trình đó, bạn đừng nghĩ quá nhiều đến thành quả mà hãy nghĩ đến những nỗ lực bỏ ra để đạt được nó.
Tôi hy vọng các bạn sẽ là thành viên tốt trong nhóm, một nhà lãnh đạo tốt, một người mà khi bạn được chọn, những người xung quanh đều cảm thấy tự hào. Đừng bao giờ dẫm đạp lên người khác để thành công", Anne C. McClain, phi hành gia nhập NASA năm 2013, nói.
Tyler Hague, thí sinh trúng tuyển đợt tuyển sinh phi hành gia 2013 sau nhiều lần nộp hồ sơ, cũng đưa ra lời khuyên bổ ích: "Đừng từ chối đưa ra câu trả lời. Hãy luôn nỗ lực. Đây luôn là mơ ước cả đời của tôi".