Vesta là hành tinh sơ sinh
Phát hiện mới cho thấy Vesta thực chất không phải là tiểu hành tinh mà chính xác là một hành tinh sơ sinh từ thời Cổ đại, nhưng lại không được trải qua quá trình bồi đắp và tiến hóa để gia nhập hàng ngũ các anh em to lớn trong hệ mặt trời.
>>> Tiểu hành tinh Vesta “rất giống” Trái đất
Tiểu hành tinh Vesta
Vesta, thiên thể lớn thứ hai trong vành đai tiểu hành tinh chính của hệ mặt trời, được xác định có lõi sắt, bề mặt đa dạng với những lớp đá khác nhau và có thể sở hữu từ trường - tất cả dấu hiệu cần thiết cho một hành tinh. Để rút ra kết luận trên, nhóm chuyên gia quốc tế với trưởng nhóm là chuyên gia Christopher Russell của Đại học California, Los Angeles, đã bỏ ra 10 tháng trời nghiên cứu dữ liệu gửi về từ tàu thăm dò Dawn của NASA.
Theo các nhà thiên văn học, Vesta được hình thành trong vòng 300 triệu năm kể từ khi hệ mặt trời xuất hiện. Về câu hỏi tại sao Vesta không thể trưởng thành như những người anh em khác, các chuyên gia đổ lỗi cho sao Mộc. Khi hành tinh khí khổng lồ hình thành, quỹ đạo của những thiên thể gần đó như Vesta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tự lao đầu vào nhau và dần dần suy giảm kích thước, theo báo cáo trên chuyên san Science.