Vi khuẩn liên quan đến “cái chết đen” được tìm thấy trong mộ 5.000 năm tuổi
Các nhà khoa học vừa phát hiện trong một ngôi mộ có niên đại gần 5.000 năm tuổi ở Thuỵ Điển từng tồn tại chủng vi khuẩn khét tiếng Yersinia pestis – tác nhân trực tiếp gây ra bệnh dịch hạch kinh hoàng trong lịch sử nhân loại.
Phát hiện mới nhất cho thấy mầm bệnh dịch hạch khủng khiếp có thể đã tàn phá các khu định cư trên khắp châu Âu từ cuối thời kỳ đồ đá.
Đó có thể là đại dịch lớn đầu tiên của lịch sử loài người. Với những bằng chứng này, có thể nó sẽ khiến lịch sử châu Âu cổ đại phải viết lại.
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra sự tồn tại của chủng vi khuẩn Yersinia pestis liên quan đến bệnh dịch hạch từ thời đồ đá.
Các nhà nghiên cứu hiện tại đang phân tích các cơ sở dữ liệu DNA có trong ngôi mộ tại khu vực Frälsegården ở Thụy Điển.
Phân tích trước đây về một ngôi mộ cổ bằng đá vôi tại Frälsegården cho thấy ước tính có 78 người đã được chôn cất ở đó và tất cả họ đã chết trong khoảng thời gian 200 năm liên tục.
Việc nhiều người chết trong một thời gian tương đối ngắn ở cùng một nơi cho thấy họ có thể đã chết cùng nhau trong một trận dịch, tác giả chính của nghiên cứu, Nicolás Rascovan, nhà sinh vật học tại Đại học Aix-Marseille ở Marseille, Pháp, cho biết.
Ngôi mộ đá vôi mới được xác định có niên đại từ thời đồ đá mới, thời kỳ con người bắt đầu biết phát triển sản xuất nông nghiệp.
Qua giám định carbon cho thấy, xác chết đã chết khoảng 4.900 năm trước. Dựa trên xương hông và các đặc điểm xương khác, các nhà khoa học ước tính người phụ nữ chết khi chỉ khoảng 20 tuổi.
Chủng bệnh dịch hạch tìm thấy có đột biến gene có thể gây ra bệnh dịch hạch thể phổi - dạng bệnh dịch hạch trong lịch sử và hiện đại nguy hiểm nhất.
Đồng tác giả nghiên cứu, Karl-Göran Sjögren - nhà khảo cổ học tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển, cho rằng, việc phát hiện bệnh dịch hạch ở một khu vực tương đối cận biên của thế giới thời đại đồ đá mới cho thấy sự lây lan đáng sợ của căn bệnh này từ thời cổ đại là có thật.