Vì sao bầu khí quyển phía trên sao Thổ lại rất nóng?
Các nhà thiên văn học đã khám phá ra lý do tại sao bầu khí quyển phía trên của các hành tinh khổng lồ như sao Thổ lại nóng, mặc dù nó ở cách xa Mặt trời hơn nhiều so với Trái đất.
Nhiệt độ đạt đến mức tối đa khi ở gần các cực quang của hành tinh.
Nguồn nhiệt lượng là một trong những bí ẩn vĩ đại của Hệ Mặt trời, trong một thời gian dài vẫn chưa tìm được lời giải. Khám phá này được đăng trên trang Phys.org.
Việc phân tích các dữ liệu thu được từ tàu vũ trụ Cassini của NASA cho thấy sự nóng lên của bầu khí quyển sao Thổ là do hiện tượng cực quang rất mạnh ở cực nam và cực bắc của hành tinh này. Dòng điện gây ra bởi sự tương tác giữa gió mặt trời và các hạt tích điện tạo nên sự kích thích các nguyên tử và phân tử trong lớp vỏ không khí của hành tinh khổng lồ chứa khí này. Nguồn nhiệt lượng sau đó được các dòng không khí phân tán đi khắp hành tinh.
Cơ chế này giúp giải đáp câu hỏi tại sao phần phía trên của bầu khí quyển lại nóng đến như vậy, trong khi phần còn lại của lớp vỏ không khí vẫn lạnh, như vẫn quan niệm do sao Thổ ở cách xa Mặt trời.
Nhiệt độ của các tầng khí bên trên được đo bằng cách quan sát sự khúc xạ ánh sáng từ các ngôi sao sáng trong các chòm sao Thợ săn (Orion) và chòm sao Đại Khuyển (Canis Major) tại ranh giới của bầu khí quyển sao Thổ trong chuyến bay của tàu vũ trụ Cassini. Điều này giúp các nhà khoa học biết được mật độ của lớp vỏ không khí, giảm theo chiều cao, nhưng tốc độ giảm lại phụ thuộc vào nhiệt độ. Hóa ra nhiệt độ đạt đến mức tối đa khi ở gần các cực quang của hành tinh.