Vì sao bị cảm ăn súp gà rất "sướng"?
Khi đang khổ sở vì cảm lạnh, còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta được ai đó nấu cho ăn một bát súp gà nóng hổi: hít hà hơi nóng và nhấp ngụm súp đầu tiên, cảm giác như hơi ấm lan tỏa khắp cơ thể, mũi thông thoáng và bớt đau nhức khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Điều gì khiến súp gà trở thành một phương thuốc chữa cảm lạnh tốt như vậy?
Súp gà làm loãng chất nhầy và thông đường thở
Đầu tiên, ăn súp gà có thể chữa được cảm lạnh là nhờ cysteine. Cysteine là một axit amin giúp làm loãng chất nhầy trong khoang mũi và phổi, giúp hồi phục sau cảm lạnh. Thịt gà rất giàu cysteine, hầm chín thịt sẽ giải phóng cysteine vào nước dùng.
Đây là kết quả của một nghiên cứu nổi tiếng về súp gà, diễn ra vào năm 1978. Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Mount Sinai, Hoa Kỳ, đã thử nghiệm để xem xét tác dụng thông mũi các 3 loại chất lỏng sau đây: nước lạnh, nước nóng và súp gà. Họ phát hiện ra rằng chất lỏng nóng có tác dụng làm thông đường thở tốt hơn nhiều so với nước lạnh, và súp gà vượt trội hơn hẳn so với nước nóng thông thường.
Chất nhầy càng lỏng, chảy ra càng dễ thì việc loại bỏ virus gây cảm lạnh càng hiệu quả hơn, đồng thời giúp bạn giảm đau.
Thịt gà rất giàu cysteine, một axit amin giúp làm loãng chất nhầy trong khoang mũi.
Súp gà giúp giảm viêm
Lý do khiến bạn nghẹt mũi khi bị cảm lạnh là do viêm. Khi đường mũi bị nhiễm virus, một loạt hóa chất, được gọi là cytokine sẽ được giải phóng. Các cytokine này về cơ bản phát ra tín hiệu báo động khu vực nào đó đang bị virus xâm nhập, gây ra phản ứng quá mẫn.
Sau khi nhận được tín hiệu, các mạch máu sẽ tự động giãn ra và tăng lưu lượng máu đến đường thở mũi. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm bạch cầu, loại tế bào bảo vệ chính trong hệ thống miễn dịch có thể đến được khu vực "khẩn cấp". Các thành mạch máu cho phép các tế bào bạch cầu chui qua, di chuyển đến đường hô hấp, dẫn đến viêm.
Súp gà làm giảm viêm bằng cách ngăn các tế bào bạch cầu di chuyển và bám vào các mô đường thở. Một bài báo của tác giả Barbara Rennard xuất bản vào năm 2000, đã nghiên cứu sự di chuyển của bạch cầu trung tính (neutrophils) - một loại tế bào bạch cầu quan trọng, hướng tới một chất hấp dẫn hóa học (thứ mà bạch cầu trung tính di chuyển tới) thường được tìm thấy trong các phản ứng viêm và súp gà.
Họ phát hiện ra rằng, súp gà khi kết hợp với chất hấp dẫn hóa học, đã ngăn không cho bạch cầu trung tính di chuyển tới hóa chất đó.
Súp gà làm giảm viêm bằng cách ngăn các tế bào bạch cầu di chuyển và bám vào các mô đường thở.
Tác giả của nghiên cứu đã lấy một công thức làm chuẩn để nấu súp gà và gọi đó là "Công thức của bà", sau đó, so sánh món súp được làm theo công thức chuẩn này với súp gà đóng hộp. "Công thức của bà" đã đánh bại tất cả các loại súp đóng hộp, ngoại trừ một món: mỳ Campbell's Ramen hương vị gà. Món mỳ này có khả năng giảm sự di chuyển của bạch cầu trung tính tốt hơn so với súp gà nấu theo công thức chuẩn. Tuy nhiên, nghiên cứu đã không thể xác định thành phần chính xác trong mỳ gây ra phản ứng ức chế này.
Một nghiên cứu khác, được công bố vào năm 2012 cho thấy, một chất hóa học gọi là carnosine ức chế các phản ứng tiền viêm thường thấy trong cảm lạnh thông thường. Carnosine cũng được tìm thấy trong thịt gà.
Súp gà có kèm theo các thực phẩm hỗ trợ phục hồi cơ thể
Không có công thức nấu súp gà lý tưởng nào, nhưng một vài loại rau củ như hành tây, cà rốt, cần tây, nấm, tỏi và gừng được đặc biệt ưa chuộng. Đây là những thành phần thực sự làm cho súp gà trở thành loại thực phẩm phục hồi hàng đầu.
Hành tây giải phóng canxi, lưu huỳnh và protein giúp chống sưng và giảm nghẹt mũi. Cà rốt rất giàu vitamin A, giúp tăng cường các tế bào bạch cầu để chúng chống lại nhiễm trùng tốt hơn.
Các loại gia vị như tỏi, gừng và hạt tiêu giúp thông mũi. Một thử nghiệm diễn ra vào năm 2001 cho thấy, những người dùng tỏi hồi phục sau cảm lạnh nhanh hơn là những người tự phục hồi. Gừng cũng có tác dụng chống cảm lạnh.
Cô Rennard (tác giả của bài báo nghiên cứu về súp gà) và các đồng nghiệp còn phát hiện ra rằng, việc cho thêm các loại rau sẽ làm làm giảm hiệu quả hoạt động của súp gà. Tuy nhiên, các thí nghiệm của họ chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm và chưa áp dụng trên cơ thể người, vì vậy không nên ngừng ăn rau chỉ vì phát hiện chưa được kiểm chứng này.
Đối với những người ăn chay và người ăn chay trường, một món súp nóng bổ dưỡng nấu từ rau củ cũng sẽ rất tốt! Các loại rau như cà rốt, hành tây, cần tây và rau mùi đều ngăn chặn sự di chuyển của bạch cầu trung tính, kèm theo các gia vị như tỏi và gừng, đường thở mũi sẽ thông thoáng hơn.
Uống trà cũng sẽ giúp thông mũi. Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Molecules cho thấy súc miệng bằng trà, hay cụ thể hơn là trà giàu catechin (một loại hóa chất trong trà), làm giảm nguy cơ nhiễm cúm.
Trong các loại chất lỏng, súp gà là loại đứng đầu về hiệu quả chữa cảm lạnh, tiếp đó là trà và nước nóng.
Vì vậy, khi bị cảm lạnh, hãy nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể , để vài chiếc khăn giấy bên cạnh, xem chương trình truyền hình yêu thích và uống cạn khi súp gà vẫn còn nóng!