Vì sao cá voi "ăn phân no, không lo chết đói"?
Cùng khám phá những hệ quả bất ngờ từ việc cá voi “đại tiện” và ăn lại "chất thải" của chính mình.
Cá voi là nhóm động vật có kích thước đồ sộ nhất hành tinh. Đại diện tiêu biểu nhất là cá voi xanh, có chiều dài lên tới 30m và nặng 170 tấn. Các họ hàng của cá voi xanh cũng thuộc nhóm “đồ sộ” trong giới động vật. Tính trung bình mỗi ngày, toàn bộ cá voi trong đại dương tiêu thụ khoảng 1,5 tỉ tấn thức ăn.
Mặc dù đại dương của chúng ta vô cùng rộng lớn và phong phú sinh vật nhưng lượng dinh dưỡng thực tế để đáp ứng cho thân hình khổng lồ của cá voi xanh lại khá thấp. Vậy câu hỏi được đặt ra là, những đàn cá voi khổng lồ kia lấy thức ăn từ đâu ra?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng xem lại khái niệm về chuỗi thức ăn. Ở các đại dương, tảo biển là những sinh vật có khả năng quang hợp làm ra chất hữu cơ. Các loài tôm, cá nhỏ thường ăn tảo biển. Sau đó, những loài động vật nhỏ này lại trở thành nguồn cung cấp thức ăn cho cá lớn hơn, trong đó có cá voi.
Bởi vậy, ta có thể nói rằng tảo biển chính là sinh vật đầu tiên trong chuỗi thức ăn. Nếu tảo biển ít, các đại dương sẽ ít tôm cá, do đó sẽ không đủ dinh dưỡng cho cá voi phát triển về số lượng.
Hình ảnh phóng to của một loại tảo đại dương
Bên cạnh đó, các loài tảo ở đại dương cần rất nhiều nguyên tố sắt để sinh trưởng. Thế nhưng qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy rằng, hàm lượng sắt trong nước biển rất nghèo nàn.
Về lý thuyết, số lượng tôm, sinh vật tiêu thụ tảo biển cũng sẽ thấp. Vậy nhưng cá voi mỗi ngày ăn tới 1,5 tỉ tấn tôm và các loài giáp xác nhỏ khác. Vậy nguồn dinh dưỡng của chúng từ đâu ra?
Các nhà khoa học đã khám phá ra lời giải cho bí mật này - Đó chính là phân cá voi.
Nghe có vẻ hơi phi lý nhưng sự thật là sau khi ăn xong một bữa no nê, phân cá voi trở thành một nguồn tập trung chất sắt vô cùng quý giá. Nhà hải dương học Stephen Nicole đã thu thập 27 mẫu phân cá voi và xác định được hàm lượng chất sắt trong phân cá voi giàu gấp 10 triệu lần nước biển thông thường.
Kết thúc quá trình tiêu hóa, cá voi sẽ “phóng uế” ở ngay trên mặt biển, nơi ánh sáng Mặt trời dễ dàng chiếu đến. Và thế là những loài tảo biển được lợi. Chúng sinh sản nhanh từ nguồn “phân bón” đặc biệt này. Số lượng tôm cá nhỏ ăn tảo biển tăng lên và kết quả là cá voi có nhiều thức ăn hơn.
Một điều nữa, cá voi thường lặn sâu xuống dưới đáy biển để ăn các loài mực ống. Vì áp suất dưới biển sâu rất cao, cá voi chờ đến khi lên gần mặt nước mới tiêu hóa và thải phân, làm giàu thêm lượng khoáng chất ở lớp nước bề mặt. Ước tính mỗi năm, một con cá nhà táng vận chuyển 50 tấn sắt từ đáy biển lên mặt biển.
Phát hiện khoa học trên đã khẳng định được vai trò sinh thái cực kì quan trọng của cá voi. Vào thập niên 1960, cá voi ở vùng biển Nam Cực bị săn bắt đến mức gần tuyệt chủng. Theo quy luật sinh thái, khi một loài động vật săn mồi bị triệt hạ, những loài vật bị chúng ăn như tôm sẽ tăng lên do không còn kẻ thù.
Tôm là một trong những sự lựa chọn thức ăn của cá voi. Số lượng các loài giáp xác giảm mạnh khi cá voi bị săn bắt do sự sụp đổ của chuỗi thức ăn.
Thế nhưng các nhà khoa học lại ghi nhận hiện tượng ngược lại, số lượng các loài giáp xác nhỏ đã lao dốc nhanh chóng mặc dù không còn kẻ thù ăn thịt nữa. Do thiếu phân cá voi, tảo biển không phát triển được và dẫn tới sự sụp đổ của chuỗi thức ăn.
Vậy là cá voi đâu chỉ đơn thuần là những sinh vật phàm ăn vô giới hạn. Thực tế, chúng là một cỗ máy “phóng uế kiêm tái chế” kì diệu của tự nhiên, đảm bảo chu trình tuần hoàn của sắt diễn ra liên tục trong các đại dương. Nhờ có cá voi, hệ sinh vật biển trở nên phong phú và phát triển ổn định hơn.
Bởi vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, bảo vệ cá voi không chỉ vì lợi ích của loài động vật này mà còn giúp giữ gìn toàn bộ hệ sinh thái rộng lớn nhưng cũng hết sức mong manh của các đại dương.
* Bài viết dựa trên thông tin và quan điểm của nhà khoa học Robert Krulwich từ chuyên trang Khoa học của NPR.