Vì sao các nhà du hành bơi kém trong không trung?
Môi trường không trọng lượng trong vũ trụ khiến các nhà du hành ước lượng sai khoảng cách và kích cỡ.
Tiết lộ mới của nhóm khoa học Pháp và Mỹ có thể lý giải cho những sai lầm và tai nạn của các phi hành gia khi thực hiện nhiệm vụ trong vũ trụ.
NASA từ lâu đã nghi ngờ rằng có điều gì đó trục trặc trong khả năng cảm nhận thị giác của con người khi ở trong vũ trụ. Một vài phi hành gia của tàu Apollo thông báo họ gặp khó khăn khi ước lượng khoảng cách trên mặt trăng, chẳng hạn những hòn đá và hình khối ở xa trông gần hơn so với thực tế.
Người ta cũng biết rằng các phi công của tàu con thoi thực hiện việc hạ cánh trong khi tập luyện với máy bay mô hình thì tốt hơn so với khi hạ cánh thật.
Một vài chuyên gia đã phỏng đoán rằng những ảnh hưởng này có thể là hậu quả của việc thiếu các điểm đánh dấu dễ nhìn thấy bằng mắt, chẳng hạn cây cối hay nhà cửa. Tuy nhiên nghiên cứu mới lại buộc tội là do thiếu trọng lực.
Để định hướng trong không gian ba chiều, chúng ta cần dùng đến otolith - những tinh thể CaCo3 nhỏ và các protein chuyển động trên các lông ở tai trong. Lực đè lên các hạt này khi người ta di chuyển đồng nghĩa với việc chúng cảm nhận được gia tốc và lực hút của trọng lực.
Nhưng khi sống trong môi trường không trọng lực, quá trình này sẽ bị ảnh hưởng. "Khi di chuyển trong vũ trụ, hệ thống cảm nhận này sẽ chẳng báo được gì cho bạn dù cho bạn có nghiêng ngả", Gilles Clément, từ Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, trưởng nhóm nghiên cứu nói.
Điều này, theo ông, ảnh hưởng đến cảm giác về phối cảnh của nhà du hành, và khiến họ đánh giá sai các điểm mốc quen thuộc vốn được sử dụng để cảm nhận khoảng cách, như điểm biến mất của vật thể. Điều này dẫn đến việc họ không thể đánh giá chính xác kích cỡ của vật.
Thử nghiệm được thực hiện trên một chiếc máy bay Airbus, nhào lộn liên tục theo đường parabol để tạo ra những khoảng thời gian không trọng lượng kéo dài 20 giây, đã chứng minh điều đó.