Vì sao các tấm biển cảnh báo ô nhiễm đang biến mất khỏi các trạm xăng Mỹ?
Các tấm biển cảnh báo được cho là có khả năng thay đổi và khuyến khích dư luận ủng hộ các giải pháp thân thiện với môi trường, song cuối cùng lại không thực sự phát huy hết tác dụng.
Lái xe đến bất kỳ trạm xăng nào ở Cambridge, Massachusetts, bạn đều sẽ thấy một bảng hiệu lớn màu vàng, in đậm dòng chữ cảnh báo: "CẢNH BÁO: Đốt xăng, dầu diesel và ethanol sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường, bao gồm cả việc thúc đẩy biến đổi khí hậu". Những bảng hiệu này xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ từ đầu năm 2021, khi hội đồng thành phố Cambridge buộc các doanh nghiệp phải cảnh báo người dân về tác hại của việc đốt khí đốt tại các trạm xăng tự phục vụ.
"Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đòi hỏi tất cả mọi người phải chung tay hành động để dần thay đổi hành vi của mình", hội đồng thành phố nhấn mạnh, đồng thời khẳng định từng hành động nhỏ của mỗi cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường từ năm 2020, giao thông vận tải là lĩnh vực phát thải lượng khí nhà kính lớn nhất tại Mỹ, trong đó, đặc biệt là ô tô và xe tải hạng nặng. Dù hiện nay, các biện pháp xanh hoá phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cùng với sự xuất hiện của xe điện, song giới chức Mỹ vẫn tin rằng, việc treo những tấm biển cảnh báo khí đốt tại các trạm xăng sẽ giúp ích phần nào trong việc cải thiện ý thức người dân.
Robert Shirkey là một trong những người đầu tiên đề xuất dán biển cảnh báo tại các trạm xăng. Động lực chủ yếu đến từ mùa hè năm 2010, khi ông bị kẹt xe trên đường cao tốc Toronto và nghe radio phát thanh về thảm họa nổ giàn dầu khoan Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico.
"Thời điểm đó tôi chợt nhận ra, lý do người ta khai thác nhiên liệu dưới đáy đại dương là để phục vụ tôi, người đàn ông đang kẹt trên đường cao tốc và cần mua xăng để di chuyển", Robert Shirkey nói. Đến năm 2013, ông thành lập tổ chức phi lợi nhuận Our Horizons Canada với nỗ lực cung cấp các tấm biển cảnh báo biến đổi khí hậu tại nhiều trạm bơm địa phương.
Một tấm biển cảnh báo ô nhiễm tại Mỹ
Bắc Vancouver cuối cùng cũng tán thành ý tưởng này và vào năm 2016, trở thành thành phố đầu tiên của Canada dán biển cảnh báo tại các địa điểm tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, đã có một chút thay đổi trong thiết kế. Từ "cảnh báo" cũng không còn xuất hiện và tấm biển chỉ nhấn mạnh cụm từ "giảm phát thải giúp chống lại biến đổi khí hậu".
"Tôi gọi đó là sự hèn nhát," Shirkey nói.
Thành phố Terrace của British Columbia sau đó cũng thực hiện chiến dịch tương tự, song không kéo dài. Đại diện ngành công nghiệp dầu mỏ khi đó đã lên tiếng phản đối và cho rằng những tấm biển này đang vô hình chung "tấn công" họ.
"Vấn đề này đã được tranh luận rất nhiều tại thành phố San Francisco, Berkeley, Santa Monica và Seattle", nhà hoạt động James Brooks cho biết. "Nó không đi đến đâu cả vì mọi người đều lo ngại về tính hợp pháp".
Trong khi Massachusetts và Hawaii vẫn đang trong quá trình thảo luận, thì tại Thụy Điển, một chiến dịch gắn biển cảnh báo khí hậu tại trạm xăng đã được phát động vào năm 2013, sau đó được quốc hội thông qua vào năm 2018. Giờ đây, chúng có thể được tìm thấy ở hầu hết các địa điểm tiếp nhiên liệu trên toàn quốc; so sánh lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch, dầu diesel sinh học và bộ sạc xe điện.
Brooks cho biết, trở ngại lớn nhất đối với việc triển khai rộng rãi các tấm biển cảnh báo không phải là sự phản kháng, mà là sợ hãi. Họ sợ làm điều này vì lo chúng không hiệu quả. Giới chức thành phố cũng thừa nhận không hề kiểm tra xem liệu các tấm biến có phát huy tác dụng hay không.
Năm ngoái, Brooks đã xuất bản một bài báo cùng với Kristie Ebi, một chuyên gia sức khỏe khí hậu tại Đại học Washington, về các tấm biển cảnh báo. Họ kết luận rằng chúng có khả năng thay đổi và khuyến khích dư luận ủng hộ các giải pháp thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, xét cho cùng, các tấm biển này vẫn không thực sự phát huy hết tác dụng được kỳ vọng trước đó.
"Những cảnh báo trên bao thuốc lá có thực sự ngăn người ta hút thuốc không? Chúng tôi không biết nữa", Patricia Nolan, thành viên Hội đồng thành phố Cambridge chia sẻ với tờ Bloomberg. "Việc này tương đối dễ thực hiện, thế nhưng không hiểu sao nó lại không phát huy tác dụng".