Vì sao cái ôm có thể giúp chúng ta vui hơn nhưng có người lại không thích?
Khi ôm, hoặc các cử chỉ thể hiện tình cảm khác, não chúng ta sẽ giải phóng hormone oxytocin. Hormone oxytocin chịu trách nhiệm cho việc gia tăng sự tin tưởng và gắn bó xã hội giữa người với người. Oxytocin cũng giúp giảm căng thẳng và lo sợ bằng cách ngăn chặn hạch hạnh nhân hoạt động. Đó là lý do vì sao cái ôm giúp chúng là cảm thấy an toàn và thoải mái.
Nhận một cái ôm từ người bạn thích có thể nhanh chóng giúp bạn thay đổi tâm trạng. Hành động ôm nhau giúp chúng ta cảm thấy được yêu thương, thoải mái và vơi bớt cảm giác cô đơn trong cuộc sống. Nhưng hành động ép sát cơ thể và vòng tay qua nhau cũng có thể khiến một số người có cảm giác phải chịu đựng một điều gì đó khó chịu.
Vì sao chúng ta ôm nhau?
Trước khi làm rõ câu hỏi vì sao cái ôm mang lại cảm giác tuyệt vời, có lẽ chúng ta nên bắt đầu với câu hỏi vì sao chúng ta ôm nhau.
Có một giả thuyết được nhiều người đồng ý là "gắn kết xã hội". Hành động gần gũi với cá thể khác giúp chúng ta định hình sự gắn kết và cảm xúc với người đó. Khi con người, và nhiều loài động vật khác cũng có hành động ôm nhau, sống trong một xã hội tập thể, ôm được cho là một hành vi quan trọng giúp tạo sự gắn kết giữa các cá thể với nhau. Sự gắn kết sẽ giúp tập thể tin tưởng lẫn nhau hơn.
Chỉ một số xã hội gắn kết với nhau bằng cách âu yếm. (Ảnh: kavastudio).
Không chỉ riêng con người mới biết ôm. Các loài linh trưởng, có họ hàng gần với chúng ta nhất, cũng tạo ra liên kết trong xã hội thông qua các hành động như ôm và vuốt ve. Chuột đồng thảo nguyên (prairie voles) cũng có cách trấn an cá thể khác thông qua đụng chạm cơ thể.
Ôm và các hành động thân mật khác cho phép các cá thể phát triển niềm tin lẫn nhau. Gắn kết xã hội được mở rộng ra là tìm một nửa còn lại của cuộc đời. Nếu bạn không thể tìm bạn đời, bạn sẽ không thể sinh sản, từ đó ảnh hưởng đến khả năng truyền lại gen của bạn. Và bạn cần nhớ rằng, tất cả chúng ta, ở một mức độ nào đó, đều có khả năng truyền lại gene cho thế hệ sau.
Những cái ôm có thể giúp tăng khả năng tạo ra thế hệ tiếp theo và sự tin tưởng giữa các cá thể trong tập thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ được sự hỗ trợ của tập thể khi mạng sống bị đe dọa. Chính vì vậy, cái ôm rất có lợi cho sự tiến hóa.
Đến đây, chúng ta quay trở lại câu hỏi ban đầu, vì sao cái ôm mang lại cảm giác tuyệt vời đến vậy? Đó là vì có một số hormone tác động đến cơ thể khi chúng ta ôm nhau!
Ôm giúp giải phóng hormone tình yêu trong não
Oxytocin có khá nhiều biệt danh, như hormone âu yếm, hay hormone tình yêu. Loại hormone này và chất dẫn truyền thần kinh (chất hóa học giúp các nơ-ron thần kinh giao tiếp với nhau) là một peptit nhỏ gồm 9 axit amin. Nó được giải phóng từ một tuyến nhỏ nằm trong não được gọi là tuyến yên sau.
Công thức cấu tạo oxytocin. (Ảnh: ytta design).
Các chức năng chính của nó là hỗ trợ quá trình sinh sản (từ oxytocin thực sự có nghĩa là "sinh sản nhanh" trong tiếng Hy Lạp) và cho con bú. Tuy nhiên, thú vị hơn là oxytocin cũng tạo ra một loạt các cảm giác khoái lạc trong tình yêu, chẳng hạn như cực khoái, gắn kết xã hội, quan hệ với gia đình và kết đôi (hay tìm bạn đời). Nói một cách khoa học hơn, oxytocin giúp chúng ta tìm thấy tình yêu, yêu một ai đó và tận hưởng cảm giác được yêu! Đó chính là nguồn gốc các biệt danh của loại hormone này.
Oxytocin ảnh hưởng đến não bộ và cơ thể như thế nào?
Có khá nhiều cách hormone oxytocin ảnh hưởng đến não bộ và cơ thể của chúng ta. Tuy nhiên, vì phạm vi bài viết là về những cái ôm nên chúng tôi sẽ giới hạn trong những nội dung liên quan.
Oxytocin hoạt động thông qua các thụ thể. Sau khi oxytocin được giải phóng từ tuyến yên và đi vào não, nó sẽ gắn vào các thụ thể oxytocin. Bạn có thể tưởng tượng quá trình này giống như việc ghép 2 mảnh ghép lại với nhau vậy. Oxytocin sẽ chỉ gắn vào đúng loại thụ thể của nó.
Thụ thể oxytocin nằm rải rác trong nhiều vùng não, như vùng dưới gò, ở nhiều vị trí thuộc hệ thống mạng các hạch não và trong cả thân não. Khi các phân tử oxytocin gắn vào thụ thể trên dây thần kinh trong những khu vực trên, chúng sẽ làm cho các dây thần kinh này "bốc cháy", đây là tín hiệu làm cho những bộ phận khác trong não và trên cơ thể có sự biển đổi.
Tuy nhiên, "hiệu ứng khi ôm" của oxyticin lại không xuất phát từ những gì nó biểu hiện bên ngoài, mà đến từ những cái ẩn bên trong cơ thể. Oxytoxin khích thích hoạt động một số khu vực trong não, trong đó có hạch hạnh nhân amygdala.
Hạch hạnh nhân amygdala thuộc hệ thống mạng các hạch não. Nó có nhiều chức năng nhưng chủ yếu là chịu trách nhiệm cho cảm giác sợ hãi, bức xúc, khao khát được tán dương và tình dục.
Bằng việc kích thích amygdala, oxytocin làm giảm cảm giác lo sợ và căng thẳng. Việc giảm các cảm xúc lo lắng khiến chúng ta cảm thấy an toàn và được yêu thương hơn. Một số chuyên gia mô tả rằng đây là cảm giác hạnh phúc.
Một nghiên cứu đươc công bố năm 2004 trên Tạp chí Biological Psychology cho rằng khi chúng ta ôm nhau, sự giải phóng oxytocin giúp làm giảm huyết áp, từ đó chúng ta sẽ bình tĩnh hơn. Ngoài ra, điều hoà huyết áp cũng giúp cải thiện sức khoẻ tim mạch.
Một nghiên cứu khác vào năm 2016 cũng phát hiện rằng ôm giúp làm giảm căng thẳng và có thể có khả năng giảm nhiễm bệnh. Căng thẳng là một trạng thái làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Các phương pháp hỗ trợ xã hội, như ôm chẳng hạn, đã được chứng minh có thể giúp giảm căng thẳng.
Vì sao một số người không thích ôm?
Với một số người, những cái ôm không hề thoải mái hay tạo cảm giác nhẹ nhõm.
Tuy ôm có rất nhiều lợi ích về mặt sức khoẻ và tâm lý, nhưng không phải ai cũng thích điều này. Với một số người, những cái ôm không hề thoải mái hay tạo cảm giác nhẹ nhõm. Suy cho cùng thì chẳng có thứ gì trên thế giới này phù hợp với tất cả mọi người.
Với những người không thích ôm, vấn đề có thể đến từ những thời thơ ấu. Những đứa trẻ sống trong những gia đình thể hiện các hành động gần gũi thường sẽ cảm thấy không thoải mái hoặc thậm chí là khó chịu ra mặt khi ôm, và tâm lý này sẽ tiếp tục tồn tại dù đã trưởng thành. Trẻ em học các ngôn ngữ xã hội thông qua bố mẹ và gia đình. Khi chơi đùa cùng với con, bố mẹ nên thường xuyên ôm và âu yếm để tạo ra những mối liên kết tích cực trong gia đình và giúp trẻ bớt căng thẳng hơn.
Văn hoá cũng ảnh hưởng khá lớn đến vấn đề này. Ở một số nền văn hoá, biểu đạt cảm xúc thông qua cử chỉ rất phổ biến. Năm 1966, nhà tâm lý học lỗi lạc Sidney Jourard đã đếm số lần các cặp đôi đụng chạm lẫn nhau trong suốt cuộc hẹn hò tại San Juan (Puerto Rico), London, Paris và Gainesville (Florida). Trong bài viết nghiên cứu của ông thống kê rằng "‘điểm số' là San Juan: 180, Paris: 110; London: 0; và Gainesville: 2".
Trong những tình huống cụ thể, việc ôm nhau chỉ đơn giản là không phù hợp. Chúng ta chỉ thích nhận cái ôm từ những người quen biết hoặc những người bạn muốn làm quen khi đạt mức độ cảm xúc cho phép. Vì vậy, bạn sẽ rất sẵn lòng tiếp nhận một cái ôm từ người bạn thân hoặc một đồng nghiệp chúng ta quen biết đã lâu. Nhưng với cái ôm từ một nhân viên ngân hàng vừa phê duyệt gói vay cho bạn chắc hẳn sẽ khiến bạn thấy khó chịu hơn là tin tưởng.
Đơn giản là chỉ quen biết vẫn chưa đủ để có thể "thật sự" ôm nhau. Tốt nhất là luôn có sự đồng thuận từ đối phương. Hãy hỏi đối phương có sẵn lòng không nếu như bạn muốn ôm họ. Nếu họ đồng ý, hãy trao nhau một cái ôm thật chặt và để cảm xúc trôi theo dòng chảy của nó.