Vì sao không bao giờ nên nhìn mặt trời qua ống nhòm?
Một nhà thiên văn học Anh đã kỳ công thực hiện một đoạn video lí giải tại sao chúng ta không nên nhìn thẳng về phía mặt trời, đặc biệt là khi sử dụng ống nhòm hay kính viễn vọng không gian.
Tuần tới, sao Thủy sẽ đi ngang qua trước mặt Mặt trời, một sự kiện được dự đoán sẽ thu hút nhiều người yêu thiên văn quan tâm theo dõi và trực tiếp quan sát. Để làm nổi bật các nguy cơ của việc sử dụng một thiết bị quang học để nhìn chằm chằm vào một quả cầu khí bốc cháy sáng lòa, nhà thiên văn học kiêm MC truyền hình Anh Mark Thompson đã thực hiện một đoạn video nhằm cho thấy những gì có thể xảy ra.
Trong đoạn video, ông Thompson, người được biết đến nhiều nhất với vai trò dẫn chương trình Stargazing Live của hãng thông tấn BBC, đã sử dụng mắt lợn mua ở một cửa hàng giết mổ địa phương. Lí do ông Thompson chọn mắt lợn làm thí nghiệm là, chúng tương tự mắt người về mặt sinh học, dù không giống hệt.
Do cường độ của ánh sáng, việc nhìn chằm chằm thẳng về phía mặt trời có thể dẫn đến tình trạng mù chốc lát.
Ông Thompson dùng một kính viễn vọng 80mm với độ phóng đại gấp 50 lần để chứng minh ảnh hưởng lên da thịt. Chuyên gia này cho biết, chỉ sau 20 giây, mắt lợn bắt đầu bốc khói và tỏa mùi khét khi chùm tia sáng mặt trời tập trung cao trên bề mặt mắt đốt nóng mô. Hậu quả là vết cháy xém xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể của mắt, tạo ra một lỗ hổng xuyên qua nhãn cầu.
Ông Thompson sau đó giải phẫu nhãn cầu bị tổn thương để xem xét tổn hại bên trong. "Dường như có một mảng màu nâu gần dây thần kinh thị giác, có thể là tổn hại do mặt trời. Nếu đây là mắt người, nó gần như chắc chắn là một tổn hại tương đối nghiêm trọng. Đó là lí do tại sao việc nhìn thẳng về phía mặt trời thông qua kính viễn vọng là ý tưởng vô cùng tồi tệ", ông Thompson giải thích.
Theo ông Thompson, thí nghiệm với mắt lợn đã cho thấy mức độ tổn hại có thể sinh ra do ánh sáng mặt trời tập trung cao trên mắt. Ở khía cạnh này, tổn thương do ánh sáng hồng ngoại gây ra khi nó đốt nóng mô cũng tương tự như cách kính lúp đặt trên tờ báo dưới trời nắng nóng.
Do cường độ của ánh sáng, việc nhìn chằm chằm thẳng về phía mặt trời có thể dẫn đến tình trạng mù chốc lát, khi các điểm tối xuất hiện trong tầm nhìn, bắt nguồn từ sự tẩy trắng của chất sắc tố nhạy sáng trong võng mạc. Song, ngoài cường độ, mặt trời còn phát tỏa ánh sáng cực tím. Viện Nhãn khoa Mỹ cảnh báo, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng này có thể tăng nguy cơ phát triển các chứng bệnh, chẳng hạn như đục thủy tinh thể, u mắt hoặc thậm chí ung thư.
Hiệp hội thiên văn học Anh (BAA) cũng khuyến cáo, mặt trời là "một vật thể nguy hiểm để quan sát". BAA tuyên bố: "Quan sát mặt trời thông qua bất kỳ công cụ quang học nào, dù là một chiếc ống nhòm hay kính ngắm gắn bên cạnh kính viễn vọng, có thể gây mù tức thì và vĩnh viễn".