Vì sao không thể diệt trừ virus cúm?
Virus cúm liên tục thay đổi, tạo ra biến chủng mới thay thế biến chủng cũ, vì khó tìm ra vaccine hiệu quả 100% và hạn chế mầm bệnh sinh sôi.
Nhiều người cho rằng mắc cúm không phải vấn đề nghiêm trọng. Bệnh gây khó chịu vài ngày, cần nghỉ làm hoặc nghỉ học một thời gian. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ thống kê từ năm 2010 đến năm 2020, nước này có 342.000 ca tử vong do cúm. Bệnh cúm được xếp loại "gây ra nhiều đại dịch nhất trong lịch sử", với hàng triệu người tử vong.
Về lý thuyết, diệt trừ virus có thể ngăn rất nhiều trường hợp tử vong. Song các nhà khoa học cho rằng không thể thực hiện việc này.
Lý do, virus gây bệnh cúm liên tục đột biến với hàng nghìn biến thể, biến chủng. Nếu một chủng virus cúm biến mất, những chủng khác sẽ nhanh chóng thay thế. Khi một biến thể mới ra đời, phương pháp phòng cúm cũng cần nhanh chóng cập nhật, bao gồm vaccine.
Việc này thêm khó khăn do sản xuất vaccine cần thời gian và tuân thủ quy trình đặc thù. Như để chuẩn bị cho mùa cúm, chuyên gia phải dự đoán những biến thể nào sẽ chiếm ưu thế trong mùa tới, đưa vào vaccine, tung ra thị trường. Đôi khi, họ không dự đoán đúng, theo Marc Jenkins, nhà miễn dịch học tại Trường Y khoa Đại học Minnesota.
Minh họa người mắc bệnh cúm. (Ảnh: Vecteezy).
Một số năm, virus cúm đột biến nhanh, vượt xa tốc độ sản xuất vaccine. Thời điểm mũi tiêm sẵn sàng để đưa vào sử dụng trên diện rộng, không còn hiệu quả đối với các biến thể mới nhất. Những chủng virus được sử dụng để bào chế vaccine cũng biến đổi, không phù hợp để sử dụng. Vì vậy, hiệu quả của vaccine cúm dao động khoảng 60%, khiến nhiều người cho rằng mũi tiêm không cần thiết.
Kịch bản khác khó xảy ra hơn: khoa học thành công bào chế vaccine cúm "tất cả trong một" hiệu quả gần 100% và mọi người dân được tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc này cũng không đủ để xóa sổ bệnh cúm, do virus có thể lây lan và biến đổi trên động vật, sau đó nhiễm ngược lại trên người. Lịch sử ghi nhận 16 biến thể cúm từ động vật, lây nhiễm sang người kể từ năm 1958, đến năm 2009, virus tiếp tục biến đổi.
Do đó, y học chuyển hướng, khuyến cáo người dân phòng bệnh cúm thay vì tìm cách tiêu diệt mầm bệnh. Vaccine giúp làm giảm khả năng mắc virus 40-60%, tránh tình trạng nhiễm trùng nặng và tử vong, ngăn ngừa đại dịch xảy đến.
Ngoài ra, tiêm phòng cúm cũng giúp giảm tỷ lệ tử vong 70-80%. Thai phụ tiêm phòng cúm giúp giảm 40% nguy cơ nhập viện; 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 25% tỷ lệ sinh non, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Vaccine cúm cần được nhắc lại, chủng ngừa cho người từ 6 tháng tuổi trở lên. Phụ nữ mang thai tiêm cúm vào ba tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ, giúp bảo vệ mẹ và truyền kháng thể sang thai nhi, bảo vệ trẻ sơ sinh đến khi đủ tuổi tiêm ngừa. Ở người cao tuổi, mũi ngừa cúm giúp giảm từ 30 đến 57% nguy cơ nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong trên người có nền tim mạch.
Bên cạnh đó, khi có biểu hiện bệnh, người dân lưu ý không đến nơi đông người, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người có nguy cơ cao như trẻ em, thai phụ, người già. Người bệnh hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống giàu dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.