Việt Nam sắp được chiêm ngưỡng nhật thực hình khuyên tuyệt đẹp, 11 năm sau mới gặp lại
Năm 2020, khởi đầu của thập niên mới với thế giới quả thực là không suôn sẻ khi có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Nhưng với cộng đồng đam mê thiên văn, họ sẽ được an ủi phần nào vì đây sẽ là năm có rất nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú xảy ra.
Sắp tới đây, vào lúc 10h45 phút ngày 21/6 nếu nhìn ra ngoài cửa sổ, bạn sẽ thấy một vòng lửa rực sáng hiện ra giữa bầu trời. Đó là nhật thực hình khuyên - hiện tượng nhật thực đầu tiên của năm 2020.
Nhật thực hình khuyên lần này sẽ trải rộng từ Trung Phi, vượt qua Bán đảo Ả Rập, Ấn Độ, Trung Quốc và chạm đến cả Thái Bình Dương. Theo trang Space.com, nhật thực lần này sẽ bắt đầu vào lúc 10h45 phút sáng ngày 21/6, nghĩa là ở Việt Nam chúng ta cũng có thể quan sát được.
Nhật thực hình khuyên - hiện tượng nhật thực đầu tiên của năm 2020.
Nhật thực hình khuyên là gì?
Nhật thực là hiện tượng Mặt trăng chắn giữa Mặt trời và Trái đất, tạo thành một cái bóng in hình lên một số khu vực của chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ quỹ đạo của Trái đất và Mặt trăng đều có hình elip, nên khoảng cách tới Mặt trời không phải lúc nào cũng giống nhau.
Trong trường hợp Trái đất ở điểm gần Mặt trời, trong khi Mặt trăng lại ở điểm xa Trái đất, trăng sẽ không thể che phủ kín Mặt trời được mà để lại một phần rìa sáng có dạng chiếc nhẫn - chính là nhật thực hình khuyên.
Thời điểm quan sát nhật thực
Tại Hà Nội, nhật thực một phần bắt đầu vào 13h16 phút, đạt cực đại lúc 14:55 với tỷ lệ che phủ tới 71%, kết thúc vào 16:18. Tại Đà Nẵng, nhật thực một phần bắt đầu lúc 13:30, đạt cực đại lúc 15:04 với tỷ lệ che phủ là 56%. Tại TPHCM bắt đầu từ 13:37, đạt cực đại lúc 15:05 với tỷ lệ che phủ chỉ đạt 36%, kết thúc vào 16:18.
Tại Hà Nội, nhật thực một phần bắt đầu vào 13h16 phút, đạt cực đại lúc 14:55.
Sau lần nhật thực này, người Việt Nam phải đợi đến năm 2023 mới lại quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú này. Tuy nhiên, nhật thực ngày 20/4/2023 gần như không đáng kể khi ở nước ta Mặt Trời chỉ bị che khuất tối đa 5%.
Hai lần nhật thực một phần vào năm 2027 và năm 2028 cũng không đáng chú ý vì tỉ lệ che phủ rất thấp, chỉ đạt lần lượt 15% và 30%.
Phải đến năm 2031, chúng ta mới lại thấy một lần nhật thực thú vị khi có nơi ở Việt Nam quan sát được tỉ lệ che phủ lên tới 80%.
Vì vậy, đây là cơ hội tuyệt vời cho những người muốn chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này.
Phải chuẩn bị những gì khi đón nhật thực?
Kể cả khi Mặt trời có được phủ kín, bạn cũng không nên nhìn nhật thực trực tiếp, vì chỉ cần một tia sáng lọt ra thôi cũng đủ để gây tổn thương võng mạc của bạn.
Ánh Mặt trời có thể kích hoạt phản ứng hóa học phía sau nhãn cầu, cho phép bạn cảm nhận được hình ảnh. Nhưng trong trường hợp có quá nhiều ánh sáng, phản ứng hóa học sẽ trở nên rất mạnh, vượt quá sức chịu đựng của võng mạc và khiến mắt bị tổn thương.
Mắt bị tổn thương vì tiếp xúc trực tiếp với ánh Mặt trời.
Hậu quả của quá trình này là mắt của bạn sẽ bị đau nhức khủng khiếp, tạm thời không thể nhìn thấy rõ vật thể xung quanh, và mất khả năng cảm nhận chi tiết về màu sắc. Thậm chí nếu phản ứng quá mạnh, sẽ có những điểm mù vĩnh viễn xuất hiện trong võng mạc. Trong trường hợp bị nhẹ, khiếm khuyết về thị giác có thể tồn tại trong vài tháng, thậm chí cả năm.
Vậy phải làm gì nếu muốn ngắm nhật thực? Cách đơn giản nhất là trang bị kính quan sát Mặt trời (solar glasses) - có khả năng lọc bỏ hoàn toàn, chỉ giữ lại 0,003% ánh sáng từ Mặt trời thôi.
Nếu bạn muốn chụp ảnh, quay phim nhật thực, hoặc ngắm bằng kính viễn vọng, cần bọc thêm một lớp lọc sáng để chặn bớt bức xạ Mặt trời.