Vó ngựa hoang Przewalski lại vang rộn thảo nguyên
Nơi những đồng cỏ thảo nguyên trải dài ở Mông Cổ, đàn ngựa hoang Przewalski đang thong dong tản bộ và gặm cỏ. Từ năm 1960, loài ngựa quý hiếm này đã được liệt vào nhóm động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao của Sách Đỏ.
Ngựa Przewalski được đặt tên theo nhà thám hiểm người Nga, ông Nikolai Mikhailovich Przewalski, người đầu tiên phát hiện ra chúng vào khoảng năm 1880 tại khu vực sa mạc Gobi.
“Chúng có thể phát hiện nguy hiểm từ khoảng cách 300 mét và bỏ chạy ngay lập tức”, cô Sun Zhicheng, nhân viên tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Hồ Tây cho biết. Hiện tại có 27 con ngựa Przewalski đang sinh sống tại đây. Chúng là kết quả của một quá trình dài nỗ lực nhân giống và bảo vệ của Khu bảo tồn kể từ năm 2010.
Đàn ngựa Przewalski trên thảo nguyên mông cổ
Một con ngựa Przewalski trưởng thành nặng khoảng 250-300kg, cao tầm 1m30. Loài ngựa màu nâu này có chiếc cổ ngắn đặc trưng. Đặc biệt, ngựa Przewalski có 66 nhiễm sắc thể thay vì 64 như những loài ngựa khác. Thức ăn chủ yếu của loài ngựa thảo nguyên này là cỏ và một số loài thực vật đặc biệt. Vào mùa đông, khi cây cỏ không phát triển, các nhân viên tại khu bảo tồn sẽ cho chúng ăn cỏ khô, đậu và ngô.
Hiện có khoảng 2.000 con ngựa Przewalsi đang sinh sống tại vùng thảo nguyên Mông Cổ và các khu bảo tồn trên toàn thế giới. 1/4 số ngựa này vừa mới được thả vào tự nhiên hồi cuối năm 2011 nhờ thành công của các biện pháp nhân giống thuần chủng.
Theo tư liệu của Hiệp hội Bảo tồn tự nhiên Quốc tế, loài ngựa thảo nguyên Mông Cổ này từng có số lượng rất đông đúc, thậm chí chúng còn “kéo nhau” sang vùng Tây Âu để sinh sống. Sau nhiều thế kỷ chống chọi với sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu thì hiện nay ngựa Przewalski còn là nạn nhân của những kẻ săn bắn trộm, khiến số lượng giảm mạnh.
Theo các câu truyện cổ truyền miệng của Trung Quốc, cách đây 2.000 năm, một phạm nhân bị lưu đày đã nhìn thấy loài ngựa hoang này ở khu vực gần thành Đôn Hoàng, nơi giao với Con đường Tơ lụa. Người phạm nhân lập mưu bắt ngựa để dâng cho vua Hán Vũ Đế nhưng không thành. Thậm chí, nhà vua còn viết một bài thơ về loài ngựa lạ này.