"Vũ khí" phát hiện ung thư của những phụ nữ mù
Mất đôi mắt nhưng lại sở hữu xúc giác vượt trội, năm phụ nữ mù ở Colombia được đào tạo để khám tầm soát ung thư vú bằng tay.
Một buổi sáng năm 2011, Leidy Garcia tỉnh dậy, phát hiện mình không còn nhìn thấy. Cùng lúc đó, Francia Papamija cũng bắt đầu cuộc sống trong bóng tối.
Bệnh tật khiến hai người phụ nữ mất đi đôi mắt nhưng lại góp phần mài dũa xúc giác của họ. Cùng với ba người khác, Garcia và Papamija được huấn luyện đặc biệt để tầm soát phát hiện ung thư vú bằng tay.
Papamija kiểm tra ngực cho bệnh nhân. (Ảnh: AFP).
Theo AFP, phương pháp dùng người khiếm thị phát hiện ung thư được bác sĩ Frank Hoffman (Đức) đưa ra cách đây một thập kỷ sau khi nhận thấy họ sở hữu khả năng xác định các khối u nhỏ, dấu hiệu đầu tiên cảnh báo ung thư.
"Bệnh nhân gặp khiếm khuyết về mắt vô cùng nhạy cảm", ông Luis Alberto Olave, bác sĩ phẫu thuật kiêm điều phối viên dự án Hands Save Lifes ở Bệnh viện San Juan de Dios (Colombia) nói. "Họ cảm nhận và phân biệt mọi thứ rất tốt".
Phương pháp của bác sĩ Hoffman được thử nghiệm ở Đức, Áo rồi Nam Mỹ. Tại Colombia, năm phụ nữ mù tuổi từ 25 đến 35 không mắc vấn đề về mạch máu hay thần kinh được lựa chọn tham gia khóa đào tạo đặc biệt và trở thành các "trợ lý xúc giác".
Đến nay, năm trợ lý xúc giác đã kiểm tra sức khỏe cho hơn 900 phụ nữ. Mỗi lần khám, họ cẩn thận sờ, nắn ngực bệnh nhân rồi đánh dấu vị trí có thể xuất hiện khối u bằng băng dán màu vàng hoặc đỏ. Nếu chắc chắn về dấu hiệu bất thường, các trợ lý sẽ nhanh chóng báo cho bác sĩ để yêu cầu xét nghiệm.
Một buổi kiểm tra với trợ lý xúc giác kéo dài khoảng 45 phút. So với kiểu khám truyền thống vỏn vẹn 10 phút tại bệnh viện, phương pháp này được đánh giá là kết quả tốt hơn. "Khám lâm sàng như vậy rất phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian", ông Olave đánh giá.
Đặc biệt, thử nghiệm cho thấy người khiếm thị phát hiện được những khối u rất nhỏ, chỉ khoảng 8 mm mà cả bác sĩ lẫn bản thân bệnh nhân đều bó tay. "Mọi người hay để bản thân bị dẫn dắt bởi những gì mình nhìn thấy. Còn chúng tôi chỉ tin vào những gì chạm và nghe được", Garcia tâm sự.
Bên cạnh đó, chụp quang tuyến vú hiện mới chỉ phổ biến ở các nước phát triển. Đối với những quốc gia đang phát triển bị hạn chế về khoa học kỹ thuật như Colombia, kiểm tra phát hiện sớm ung thư vú bằng tay lại càng quan trọng.
Không chỉ chiến đấu chống lại ung thư, những phụ nữ như Garcia và Papamija còn đang cố gắng xóa bỏ sự kỳ thị. "Chúng tôi đang dần phá vỡ quan niệm người khuyết tật không thể tự nghĩ hay làm gì", Papamija chia sẻ.
Trên thực tế, trước khi trở thành các trợ lý xúc giác, cả Garcia lẫn Papamija đều thất nghiệp như hàng trăm nghìn người khuyết tật khác.
Dự kiến năm 2018, Colombia triển khai chương trình đào tạo trợ lý xúc giác mới.