13/10: Ngày tôn vinh các doanh nhân Việt Nam

Mười hai năm trước, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, mở ra một trang mới trong lịch sử kinh tế Việt Nam, khi doanh nhân được thừa nhận có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia.

Ngày Doanh nhân Việt Nam không đơn thuần chỉ là một ngày lễ kỷ niệm, mà nó còn là ngày để tôn vinh giới doanh nhân Việt Nam, phát động tinh thần kinh doanh trong xã hội; ngày đề cao vai trò, vị trí của giới doanh nhân Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho xã hội..

Dấu mốc lịch sử

Hơn một tháng sau ngày tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 13/10/1945, Bác Hồ đã gửi một bức thư cho giới công thương, trong đó nhấn mạnh rằng: "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này".

Bức thư này, cho đến nay vẫn được xem là bằng chứng rõ nhất cho thấy thông điệp rất rõ ràng của Bác Hồ về vai trò quan trọng của giới công thương, lực lượng được xác định là sẽ "phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng" trong khi "các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà".

13/10: Ngày tôn vinh các doanh nhân Việt Nam
Bác Hồ (áo trắng, đứng giữa) chụp hình lưu niệm với các doanh nhân ngay sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập.

Cũng trong bức thư lịch sử này, Bác Hồ đã viết rằng: "Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".

Vì nhiều lý do, tinh thần "khuyến công khuyến thương" này của Bác Hồ đã không được phát huy trong chiều dài lịch sử đất nước. Nhiều năm liền, trong nền kinh tế bao cấp, vai trò của "giới công thương" đã không được coi trọng, thậm chí nhiều người đã phải trả giá đắt cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Phải đến khi công cuộc đổi mới được tiến hành, môi trường kinh doanh từng bước được "cởi trói", thì việc trả lại vai trò cho "giới công thương" mới được thực hiện. Đặc biệt, với việc ban hành Luật Doanh nghiệp 1999, hàng ngàn doanh nghiệp đã ra đời và lớn mạnh dần.

Theo các tư liệu lịch sử, doanh nhân là giới chức xã hội đầu tiên của nước ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại phủ Chủ tịch trên cương vị Chủ tịch nước. Tại cuộc tiếp đón này Bác mang việc nước ra bàn với doanh nhân. Lúc đó Chính phủ khó khăn, không có tiền, không có ngân sách. Bác chia sẻ khó khăn của Chính phủ với doanh nhân và đề nghị các doanh nhân đóng góp công sức và tài sản cho chính quyền cách mạng.

Nghe theo lời của Bác các doanh nhân đã hăng hái đóng góp tiền của, vàng bạc hiến cho Chính phủ Cách mạng. Riêng doanh nhân Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến tặng 5.000 lượng vàng. Tính sơ bộ 5.000 lượng vàng gửi vào ngân hàng lấy lãi thì hiện nay giá trị khoảng 7 tỷ USD.

Năm 2004, khi cảm thấy các điều kiện đã chín muồi, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và ông Dương Trung Quốc, nhà sử học nổi tiếng đã cùng nhau thảo luận, thống nhất và đi tới quyết định mà về sau được xem là đã "làm sống lại thông điệp một thuở của Bác Hồ", theo đó đề xuất Chính phủ lấy ngày 13/10 làm Ngày doanh nhân Việt Nam.

Cuối tháng 8/2004 tờ trình được gửi đi thì ngày 20/9, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định chọn 13/10 làm "Ngày Doanh nhân Việt Nam", cho thấy việc này cũng đã nhận được sự đồng thuận nhanh chóng từ các cấp lãnh đạo cao nhất.

Khi ký quyết định công nhận ngày 13/10 làm Ngày doanh nhân Việt Nam, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đang trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Thủ tướng. Những quan điểm của ông đối với vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp sau đó đã được đưa vào một bài viết trong đó nhấn mạnh rằng "qua thực tiễn phát triển doanh nghiệp, hình thành đội ngũ doanh nhân".

Ông cũng cho rằng bài học rút ra là phải "khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, giải phóng các lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, tinh thần của nhân dân, huy động và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế là nguồn gốc của mọi thắng lợi". "Thành công nhiều hay ít trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước tùy thuộc vào mức độ giải phóng nguồn sức mạnh vô tận này", ông Phan Văn Khải viết.

Nỗ lực hết sức để cải thiện môi trường kinh doanh

Theo hồi ức của các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử kinh tế, trong từ điển tiếng Việt cách đây hơn chục năm không có từ "doanh nhân", gần đây mới được bổ sung vào. Trong Hiến pháp lẽ ra cũng không có từ "doanh nhân" nếu như các đại biểu Quốc hội khóa vừa rồi không lên tiếng và sau đó vai trò doanh nhân mới được hiến định. Cho dẫu đã có một "Ngày doanh nhân Việt Nam", con đường đi của cộng đồng doanh nhân vẫn còn nhiều gập ghềnh, ngay cả khi Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa hội nhập cao nhất.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là vai trò của cộng đồng doanh nhân đã và đang được khẳng định, không chỉ bằng câu chữ trong các... nghị quyết. Tại Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, lần đầu tiên doanh nghiệp, doanh nhân được xác định là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết của Đảng cũng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Đồng thời, một tinh thần tiếp cận mới đã và đang được thắp lửa qua thông điệp "Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo" đã và đang được Chính phủ mới nỗ lực tiến hành.

13/10: Ngày tôn vinh các doanh nhân Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các doanh nhân trong một sự kiện gần đây.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động luôn được xác định là "một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ".

Với tư cách là Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Thời gian hoạt động của Tổ Công tác chưa nhiều nhưng qua tác động của hoạt động kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và 4 cơ quan trong tháng 9 thì cũng đã tạo chuyển biến rõ nét của các bộ, ngành, địa phương.

Đây cũng có thể coi là những nỗ lực đầu tiên và đáng chú ý nhất của tinh thần "vì doanh nhân, doanh nghiệp" mà chính phủ mới đang tiến hành, thể hiện qua các công việc hết sức cụ thể của môi trường kinh doanh.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nam ngày 6/8, Thủ tướng có chỉ đạo lập một website của Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp tới Chính phủ.

Theo ông Mai Tiến Dũng, qua hệ thống này các kiến nghị về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt các cơ chế chính sách, các giao dịch, các chi phí trực tiếp... sẽ được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ thành lập tổ công tác để đôn đốc kiểm tra và trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp với danh nghĩa Chính phủ.

"Khi nhận được những thông tin như vậy thì chúng tôi sẽ chuyển các cơ quan chức năng. Nếu phản ánh của các doanh nghiệp, của báo chí có chứng cứ, căn cứ xác đáng thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét để đánh giá, nhất là cơ quan quản lý cán bộ của cấp đó. Nếu như tại địa phương thì chúng tôi sẽ chuyển về địa phương và yêu cầu cán bộ phải làm rõ, phải giải trình với lãnh đạo địa phương. Nếu như thuộc Bộ thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, yêu cầu cán bộ bị phản ánh phải giải trình rõ với các doanh nghiệp, dư luận của người dân và báo chí", Bộ trưởng khẳng định.

Loading...
TIN CŨ HƠN
Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day là gì và diễn ra vào ngày nào?

Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day là gì và diễn ra vào ngày nào?

Thanksgiving hay Thanksgiving Day trong tiếng Anh dịch tiếng Việt có nghĩa là ngày lễ Tạ Ơn. Đây là một ngày lễ quốc gia diễn ra chủ yếu ở Mỹ và Canada.

Đăng ngày: 23/11/2016
Lịch sử, ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Lịch sử, ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Ngày 20/11 hàng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ "tôn sư trọng đạo". Tuy nhiên ngày Nhà giáo Việt nam bắt nguồn từ đâu có lẽ không phải ai cũng biết.

Đăng ngày: 20/11/2016
Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do

Đăng ngày: 22/10/2016
Tiêu điểm
Khoa Học News