3 triệu người chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí toàn cầu
Ô nhiễm không khí khiến hơn 3 triệu người chết sớm mỗi năm, đe dọa gần như toàn bộ cư dân thành phố lớn tại những nước đang phát triển.
80% số thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng không khí, trong đó chủ yếu tập trung ở các nước nghèo, Fox News đưa tin. Tổng hợp dữ liệu của 3.000 thành phố, thị trấn và làng xã của 103 quốc gia từ năm 2008 đến 2013, WHO tuyên bố mức độ ô nhiễm không khí đô thị toàn cầu đã tăng 8% bất chấp những cải thiện ở một số vùng. Điều này dẫn đến nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư phổi cùng hàng loạt vấn đề về đường hô hấp.
Khói mù ở Mexico City. (Ảnh: Reuters).
Trong báo cáo mới được đưa ra, thành phố Zabol (Iran) bị coi là nơi ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới. Ấn Độ đã đạt được bước tiến nhất định khi New Delhi vốn đứng đầu bảng đã xuống hạng 11. Từ năm 2013 đến 2015, giới chức Ấn Độ cấm xe cũ đi vào thành phố, đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than cũ và phạt nặng hành vi đốt rác, gây ô nhiễm.
Theo Anumita Roychowdhury từ Trung tâm Khoa học và Môi trường New Delhi, thành công của người Ấn Độ là minh chứng cho thấy kết quả sẽ đến nếu bạn chịu hành động. Tuy vậy, người dân quốc gia châu Á này nói chung vẫn gặp khó khăn bởi 4 thành phố Ấn Độ khác là Gwalior, Allahabad, Patna và Raipur đã vượt qua New Delhi, nằm ở vị trí số 2, 3, 6, 7 trong danh sách ô nhiễm nhất thế giới.
Tại châu Âu, không khí thành phố Tuzla (Bosnia) là tồi tệ nhất dù mức độ kém xa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Nơi ô nhiễm nặng nhất ở Mỹ là Visalia-Porterville song xếp thứ 1.080, rất xa so với các quốc gia đang phát triển. Những địa danh nổi tiếng khác như Paris nằm ở vị trí 1.116, London giữ hạng 1.389 và khu vực New York - Northern New Jersey - Long Island chiếm mục 2.369.
"Ô nhiễm không khí tiếp tục tăng cao với tốc độ đáng báo động, tàn phá sức khỏe con người", tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Chương trình môi trường và sức khỏe cộng đồng của WHO cho biết. "Nhận thức người dân cũng tăng và nhiều thành phố đang giám sát chất lượng không khí của họ. Khi không khí sạch hơn, các bệnh về hô hấp và tim mạch trên toàn cầu sẽ giảm".