4 loài rắn cực độc được tìm thấy nhiều nhất ở Fansipan
Một trong số chúng được mệnh danh là "Ông vua săn động vật máu nóng ở Việt Nam". Những loài rắn này đã được nhà nghiên cứu sinh vật rừng dày dặn kinh nghiệm Phùng Mỹ Trung có nhắc tới. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc về từng loại rắn kịch độc mà nhà nghiên cứu sinh vật rừng đã đề cập trong bài viết đăng lên trang cá nhân của anh.
1. Rắn lục Jerdon Protobothrops jerdonii
Rắn lục Jerdon Protobothrops jerdonii nằm trong danh sách những loài rắn cực độc của Việt Nam.
Chúng thường sinh sống ở các vùng núi cao do đó loài bò sát này sở hữu khả năng chịu lạnh giỏi nhất mà các nhà nghiên cứu bò sát tại Việt Nam từng phát hiện được.
Chiếc đầu hình tam giác với những hoa văn tinh xảo, báo hiệu sự chết chóc khủng khiếp. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung).
Nhà sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung cho biết, bức ảnh anh chụp được loài rắn lục cực độc này là khi anh gặp nó ở độ cao 2.900 mét tại "nóc nhà Đông Dương". Loài rắn dài gần 1 mét này thường đi săn tại các con suối cạn thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Hoa văn đáng sợ của rắn lục Jerdon được chụp trên núi Fansipan. (Ảnh: Phùng Trung Mỹ/Vncreatures.net).
Rắn lục Jerdon có tên Latin là Protobothrops jerdonii, thuộc họ rắn lục Viperidae. Loài rắn chuyên sống trong rừng rú này sở hữu vẻ đẹp bên ngoài đầy chết chóc: Toàn thân bao phủ bởi lớp da hoa văn vàng đen; cái đầu hình tam giác lúc nào cũng sẵn sàng "tợp" con mồi trong nháy mắt.
Loài rắn lục Jerdon trên thế giới sở hữu hoa văn tinh xảo, ánh lên màu xanh ngọc. (Ảnh: Johan Fredriksson).
Nọc độc của loài rắn lục này thuộc loại độc tố tế bào. Sau cú "tợp" nhanh như chớp mắt, toàn bộ bạch cầu và hồng cầu của nạn nhân bị phá hủy, khiến cho nạn nhân bị chảy máu trong và tử vong sau ít phút.
2. Rắn lục đầu trắng Azemiops feae
Còn gọi là lục đầu bạc Azemiops feae, loài rắn họ rắn lục này cũng là một trong số ít những loài rắn sống ở độ cao khoảng 1.000 mét so với mặt nước biển.
Azemiops feae là một trong các loài rắn lục nguyên thủy nhất, chúng được tìm thấy phổ biến tại Fansipan và các vùng núi thuộc Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc (ở Tam Đảo).
Loài rắn lục đầu bạc trên thế giới. (Ảnh: Tim Vickers).
Đặc điểm kỳ dị và đáng sợ nhất của loài rắn dài 80cm này là cái đầu bạc trắng, trong khi thân mình thì màu đen điểm xuyết các viền đỏ đầy chết chóc.
Một số loài trên thế giới, lại có màu bạc sáng với viền vàng nhạt khắp cơ thể, nhưng cái đầu thì vẫn có màu bạc/trắng hoặc vàng nhạt.
Rắn lục đầu bạc có khả năng sản sinh ra độc tố thần kinh và độc tố tế bào nên cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của con người.
Nhiều người đi rừng chuyên nghiệp khuyên không nên chủ động tấn công loài này vì chúng rất hung dữ.
3. Rắn lục núi Ovophis monticola
Rắn lục núi. (Ảnh: stefan thomson).
Sở hữu một màu nâu óng với những họa tiết màu đen đầy tinh xảo, rắn lục núi Ovophis monticola, loài chuyên đi săn vào ban đêm, là một trong những "tử thần" đáng sợ nhất của các sinh vật sống trong rừng ở độ cao 1.500 mét.
Với cái đầu tam giác được tạo hóa "vót nhọn", loài rắn này có thể tung ra những cú đớp nhanh khủng khiếp khi đánh hơi thấy con mồi.
Mặc dù bị mù màu nhưng loài này có thể có khứu giác cực đỉnh, vì thế chúng được mệnh danh là "Ông vua săn động vật máu nóng ở Việt Nam".
Rắn lục núi có khứu giác cực nhạy. (Ảnh: Felis.in).
Thức ăn khoái khẩu của chúng là chuột, chim, thằn lằn...
Tại Việt Nam, loài này được tìm thấy chủ yếu tại Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng...
4. Rắn lục cườm Protobothrops mucrosquamatus
Rắn lục cườm Protobothrops mucrosquamatus. (Ảnh: Picssr.com).
Thường gặp ở các vùng núi cao 1.000 mét so với mặt nước biển, rắn lục cườm Protobothrops mucrosquamatus cũng là loài rắn khá phổ biến ở Fansipan.
Rắn lục cườm có chiều dài tối đa là 112cm. Toàn thân của rắn được bao phủ bởi các hoa văn màu nâu đậm và nâu nhạt.
Loài này có đặc tính chuyên đi săn đêm tại các vùng ven suối và các con suối cạn, thức ăn khoái khẩu của chúng là ếch nhái, các loài thú ăn thịt nhỏ...
Tại Việt Nam, chúng được tìm thấy nhiều ở Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Gia Lai và nhiều vùng khác.
*Bài viết sử dụng tư liệu của: Nhà sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung, Vncreatures, Wikipedia.