AI vượt mặt con người, phát hiện băng trôi trên biển nhanh hơn 10.000 lần
AI đang cho phép các nhà khoa học giám sát được sự thay đổi của đại dương ở những khu vực xa xôi và không thể tiếp cận trong thời gian thực.
Các nhà khoa học đang chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhanh chóng phát hiện những tảng băng trôi khổng lồ dựa trên ảnh vệ tinh với mục tiêu theo dõi độ co rút của chúng theo thời gian.
Tảng băng trôi là khối băng nước ngọt lớn, hình thành do sự nứt vỡ từ một đầu của sông băng hoặc mảng băng địa cực gần sát biển. (Ảnh: Getty).
Không giống như phương pháp theo dõi băng trôi thông thường, vốn yêu cầu con người mất vài phút để phác thảo, AI đã hoàn thành nhiệm vụ tương tự trong chưa đầy 0,01 giây, tức nhanh hơn khoảng 10.000 lần.
Anne Braakmann-Folgmann, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Điều quan trọng là xác định vị trí các tảng băng trôi và theo dõi mức độ tan chảy của chúng".
Để làm điều này, nhóm nghiên cứu đã huấn luyện AI cách phát hiện các tảng băng trôi lớn thông qua hình ảnh từ vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Các nhà khoa học nhận thấy hệ thống này có thể phát hiện các tảng băng trôi bằng hình ảnh vệ tinh với độ chính xác lên tới 99% đối với những tảng băng trôi có kích thước lớn hơn 54km vuông.
Andrew Shepherd, giáo sư tại Đại học Northumbria, Anh, nhấn mạnh rằng AI sẽ cho phép các nhà khoa học giám sát được sự thay đổi của đại dương ở những khu vực xa xôi và không thể tiếp cận trong thời gian thực.
AI được các nhà khoa học sử dụng để đo kích thước của các tảng băng trôi lớn. (Ảnh: Đại học Leeds).
Công cụ AI cũng không mắc phải những lỗi tương tự như các phương pháp tự động thông thường khác, chẳng hạn như lỗi hiểu sai từng mảnh băng riêng lẻ là một tảng băng chung.
Việc có thể lập bản đồ phạm vi các tảng băng trôi một cách tự động với tốc độ và độ chính xác cao sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm những tác động của biến đổi khí hậu, cũng như hạn chế những hậu quả mà nó gây ra.
Cuối tháng 10, Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh báo cáo rằng, những tảng băng khổng lồ bao phủ Nam Cực sẽ tan chảy với tốc độ nhanh chóng trong phần còn lại của thế kỷ, và chắc chắn góp phần làm mực nước biển dâng cao trong những thập kỷ tới.
Năm ngoái, A68a - một trong những tảng băng trôi lớn nhất từng được các nhà khoa học biết đến - đã được phát hiện sau khi nó tách khỏi Bán đảo Nam Cực vào năm 2017. Tảng băng này dài hơn 160km, rộng 48km.
Các nhà khoa học cho biết, cùng với việc đổ xấp xỉ 1 nghìn tỷ tấn nước ngọt vào đại dương, tảng băng trôi tan chảy này còn bơm chất dinh dưỡng vào môi trường. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái địa phương trong nhiều năm tới.
Hiện vẫn chưa rõ liệu sự thay đổi này sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực đến chuỗi thức ăn biển.