Ấn Độ phát triển công nghệ biến tóc người thành phân bón, thức ăn cho vật nuôi
Các nhà khoa học Ấn Độ đã phát triển một giải pháp bền vững giúp chuyển đổi chất thải keratin như tóc người, lông cừu và lông gia cầm thành phân bón, thức ăn cho vật nuôi.
Theo đài Sputnik (Nga), để giảm thiểu tác động nguy hại của chất thải keratin đối với môi trường, một nhóm các nhà khoa học Ấn Độ do Giáo sư AB Pandit, Phó Hiệu trưởng Viện Công nghệ Hóa học Mumbai dẫn đầu, đã đưa ra một giải pháp độc đáo biến tóc người thành phân bón, thức ăn cho vật nuôi.
Kỹ thuật mới này có chi phí rẻ hơn gấp 3 lần và thân thiện với môi trường hơn. (Ảnh: iStock).
Các nhà khoa học cho biết phương pháp xử lý chất thải keratin hiện nay vốn tiêu tốn nhiều năng lượng, nguy hại về mặt hoá học và tốn kém. Gần đây, họ đã phát triển ra một kỹ thuật thay thế có chi phí rẻ hơn gấp 3 lần và thân thiện với môi trường hơn.
Nhóm các nhà khoa học đã sử dụng quá trình ôxy hóa tiên tiến để chuyển đổi chất thải thành phân bón và thức ăn chăn nuôi có thể bán được trên thị trường. Công nghệ quan trọng nhất của toàn bộ quy trình là tiền xử lý, nhằm loại bỏ những chất gây ô nhiễm có trong chất thải keratin. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành thủy phân keratin bằng kỹ thuật được gọi là Hydrodynamic Cavitation.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, có khoảng 300.000 tấn tóc của con người được tạo ra dưới dạng chất thải ở Ấn Độ mỗi năm. Mặc dù có thể phân hủy sinh học, nhưng việc thải bỏ không kiểm soát có thể dẫn đến tắc nghẽn và các vấn đề môi trường nghiêm trọng khác.
“Ấn Độ thải ra một lượng lớn tóc, lông gia cầm và lông cừu mỗi năm. Những chất thải này được thải ra, chôn lấp hoặc đốt, làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng và tăng lượng khí thải nhà kính. Dù là nguồn axit amin và protein rẻ tiền, nhưng chúng có tiềm năng được sử dụng làm thức ăn gia súc và phân bón”, Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố hôm 16/9.
Hiện các nhà khoa học đang phối hợp với Revoltech Technologies Private Limited, Gujarat, phát triển giải pháp đã được cấp bằng sáng chế này để triển khai trên quy mô lớn.