Ảnh chụp cụm sao lấp lánh cách Trái đất 180.000 năm ánh sáng
Dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Hubble cho thấy cái nhìn cận cảnh đáng kinh ngạc về cụm sao mở NGC 330 bên ngoài dải Ngân Hà.
Hình ảnh được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố hôm 2/7 cho thấy vô vàn ngôi sao của hệ thống NGC 330 lấp lánh đầy màu sắc, từ trắng, xanh, vàng, cam đến đỏ, tạo nên một "bữa tiệc thị giác" ngoạn mục.
Hubble chụp cận cảnh cụm sao NGC 330 cách Trái đất 180.000 năm ánh sáng. (Ảnh: NASA/ESA).
NGC 330 nằm cách Trái đất tới 180.000 năm ánh sáng. Nó là một phần của Đám mây Magellan Nhỏ (thiên hà lùn) trong chòm sao Đỗ Quyên, một trong những "hàng xóm" gần nhất của dải Ngân Hà và có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời Nam Bán cầu.
"Bởi vì cụm sao hình thành từ cùng một đám mây khí và bụi ban đầu, tất cả các ngôi sao của nó đều có cùng độ tuổi", các quan chức NASA và ESA viết trong một mô tả. "Điều này khiến chúng trở thành đối tượng lý tưởng cho các nhà thiên văn học để tìm hiểu cách các ngôi sao hình thành và tiến hóa".
Cái nhìn cận cảnh trên được chụp bởi camera trường rộng 3 trên kính viễn vọng không gian Hubble. Giữa rất nhiều vật thể nổi bật, các nhà thiên văn học đặc biệt chú ý đến một nhóm sao rất nhỏ ở góc dưới bên trái của hình ảnh, được đặt tên là Galfor 1. Nhóm sao này được bao quanh bởi một tinh vân chứa đầy hydro ion hóa (màu đỏ) và bụi (màu xanh).
NASA muốn biết rõ hơn về cấu trúc của tinh vân này và hy vọng rằng các quan sát độ phân giải cao từ kính viễn vọng không gian James Webb - thiết bị kế nhiệm của Hubble dự kiến được phóng lên vào cuối năm nay - sẽ giúp họ làm sáng tỏ điều đó.
Được phóng lên ngày 24/4/1990 bởi tàu con thoi STS-31, kính viễn vọng không gian Hubble đã hoạt động trong vũ trụ hơn ba thập kỷ, vượt xa tuổi thọ dự kiến là 15 năm. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học vẫn muốn thấy nó hoạt động thêm một thời gian nữa, ít nhất là cho đến khi James Webb được triển khai.