Ảnh chụp Trái đất khi xảy ra nhật thực nhìn từ Mặt trăng
Trong hình ảnh do vệ tinh Trung Quốc ghi lại, bề mặt Trái Đất xuất hiện vùng màu đen do Mặt Trăng đổ bóng lên.
Long Giang 2, vệ tinh nhỏ do Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân chế tạo, chụp ảnh Trái Đất khi có nhật thực toàn phần hôm 2/7. Long Giang 2 nặng 47kg, được phóng lên không gian cùng vệ tinh Cầu Ô Thước ngày 21/5/2018 và tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng sau 4 ngày.
Trái Đất khuất sau Mặt Trăng trong ảnh chụp của vệ tinh Long Giang 2. (Ảnh: Caixin Global).
Vệ tinh được trang bị camera CMOS siêu nhỏ, chỉ nặng 20g, dễ vận hành và có thể chụp cách quãng ngắn, theo nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Vì sử dụng chế độ phơi sáng tự động nên trong vùng quan sát của camera phải có một góc Mặt Trăng để điều chỉnh độ phơi sáng phù hợp.
Khi nhật thực diễn ra, Long Giang 2 đang bay qua vùng tối của Mặt Trăng. Trong vài phút trước và sau khi Mặt Trăng chắn giữa Trái Đất và Mặt Trời, mọi điều kiện đều rất thích hợp để chụp ảnh.
Vùng màu đen xuất hiện do Mặt Trăng đổ bóng lên Trái Đất. (Ảnh: Caixin Global).
Nhóm nghiên cứu phối hợp với các nhà vận hành trạm thông tin vô tuyến nghiệp dư ở Tây Ban Nha và Đức để chụp và nhận ảnh. 4 tấm hình do Long Giang 2 chụp lúc nhật thực được gửi về Trái đất hôm 3/7.
Trong ảnh, có thể thấy bóng của Mặt trăng đổ lên Trái đất. Nếu ngắm nhật thực từ Trái đất, những người ở vùng tối nhất giữa bóng râm có thể thấy nhật thực toàn phần, trong khi đứng ở vùng xám sẽ chỉ thấy nhật thực một phần.
Long Giang 2 dự kiến kết thúc nhiệm vụ vào cuối tháng 7. Để tránh trở thành rác vũ trụ, vệ tinh này sẽ được điều khiển đâm xuống Mặt trăng sau khi dừng hoạt động.