Axit mạnh nhất thế giới: Gấp 10 triệu tỷ lần axit sulfuric đậm đặc 100%
Ăn mòn kim loại, có tính axit mạnh trong các loại axit, vậy làm sao người ta có thể cất giữ loại hợp chất này an toàn?
Khi nhắc tới axit, bạn sẽ nghĩ ngay tới dung dịch nguy hiểm có khả năng ăn mòn cả kim loại, phá hủy da hay quần áo. Thế nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi loại axit nào mạnh nhất thế giới?
Axit là những chất có độ pH bé hơn 7 khi tan trong nước
Trong hóa học, chúng ta định nghĩa axit là các hợp chất hóa học có thể hòa tan trong nước và có vị chua, thông thường biểu diễn dưới dạng công thức tổng quát HxAy.
Trái với bazo, dung dịch axit có độ pH bé hơn 7 khi hòa tan trong nước và mỗi loại axit lại có một chỉ số pH riêng cho biết sự mạnh yếu của chúng, chỉ số pH càng nhỏ thì độ axit càng mạnh và ngược lại.
Các loại dung dịch phổ biến và độ pH của chúng. (Ảnh: Flick).
Vậy axit nào mạnh nhất?
Như đã nói ở trên, mỗi axit sẽ có chỉ số pH nhất định hay nói cách khác có thể đánh giá sự mạnh yếu của axit dựa vào thang đo pH. Axit nào có chỉ số pH càng thấp thì axit đó càng mạnh, mỗi độ pH giảm nghĩa là độ axit sẽ tăng 10 lần!
Ví dụ: Nước chanh có độ pH là 2, còn axit trong dạ dày chúng ta có độ pH là 1 nghĩa là độ axit trong dạ dày chúng ta mạnh gấp 10 lần một cốc nước chanh.
Nhưng thang đo pH lại chỉ giới hạn tới mức 0, vậy nên để đo các axit mạnh (có độ pH thấp hơn 0), chúng ta còn cần thêm thang đo độ axit Hammett (hammett acidity function).
Thực tế, axit có độ pH nhỏ nhất mà con người biết đến cho tới thời điểm lúc này có chỉ số là âm 31,3 tức axit Fluoroantimonic có công thức hóa học là H2FSbF6. Các nhà hóa học còn gọi nó là "siêu axit" vì tính axit cực mạnh mà không axit nào sánh bằng của nó.
Hầu như chúng ta đều biết đến axit vô cơ mạnh quen thuộc là H₂SO₄ - axit sulfuric, một loại axit có thể ăn mòn nhiều kim loại như sắt và nhôm ngay cả khi bị pha loãng và sẽ rất nguy hiểm nếu ở dạng đậm đặc.
Axit sulfuric cũng chẳng là gì nếu so với siêu axit! (Ảnh: Periodic Videos).
Khi đó, để pha loãng dung dịch này bạn cần phải trang bị áo, tấm bảo vệ mặt, găng tay và tạp dề PVC rồi cho từ từ axit vào nước, khuấy đều, tuyệt đối không được làm ngược lại nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Đây là loại axit mà bạn sẽ khó có thể thấy loại axit nào trong tự nhiên có tính axit mạnh hơn nó. Thế nhưng nếu so với siêu axit mạnh nhất thế giới thì axit này cũng... chẳng thấm vào đâu vì:
Axit Fluoroantimonic mạnh gấp 10 lũy thừa 16 (10 triệu tỷ) lần cả axit sulfuric đậm đặc 100%!
Để chứa loại axit này người ta sử dụng đến một loại polyme tổng hợp Polytetrafluoroethylene PTFE. (Ảnh: Photo Credit: Game Freak / Youtube).
Ngoài ra, siêu axit còn có thể phá hủy gần như tất cả các hợp chất hữu cơ hay thậm chí cả thùng chứa nên không thể đựng trong bình như các loại axit khác.
Người ta phải sử dụng đến một loại polyme tổng hợp Polytetrafluoroethylene PTFE còn có tên ngắn gọn là Teflon mới có thể chứa được nó.