Ba sinh vật tuyệt chủng có thể sắp được hồi sinh
Công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences của Mỹ cho biết vào năm 2028, sinh vật đã tuyệt chủng đầu tiên mà họ cố hồi sinh có thể ra đời.
Trong bài phỏng vấn trên tờ Live Science, Colossal Biosciences, một công ty công nghệ sinh học của Mỹ nổi tiếng vài năm này với dự án hồi sinh một số động vật đã tuyệt chủng, đã chia sẻ về 3 sinh vật thời cổ đại có thể sắp tái xuất.
Nhận được sự hợp tác của nhiều nhà khoa học danh tiếng, nhóm nghiên cứu Mỹ này trong những năm gần đây đã tìm cách đưa trở lại thế giới chim dodo (Raphus cucullatus), hổ Tasmania (Thylacinus cynocephalus) và ma mút lông xoăn (Mammuthus primigenius).
Giờ đây, họ cho biết các loài này, nhất là ma mút, đang "đến gần với hiện thực".
Ma mút lông xoăn là mục tiêu hồi sinh được bàn đến nhiều nhất - (Ảnh đồ họa: iStock).
Ông Ben Lamm, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Colossal Biosciences, cho biết họ đặt mục tiêu sản xuất một con non "giống voi ma mút" đầu tiên vào năm 2028 và "rất có khả năng người ta có thể nhìn thấy một loài khác trước thời điểm đó".
Voi ma mút lông xoăn sống ở Bắc Cực từ 300.000 đến 10.000 năm trước và người ta từng tìm thấy cá thể được bảo quản nguyên vẹn trong băng giá Siberia, đem lại mẫu DNA quý giá.
Để tạo ra những chú voi ma mút con, họ sẽ xác định các gene mã hóa đặc điểm thể chất mang tính biểu tượng nhất của voi ma mút lông xoăn, chẳng hạn như lông xù, ngà cong, mỡ tích tụ và hộp sọ hình vòm.
Sau đó, họ sẽ đưa các gene này vào bộ gene của những con voi châu Á có quan hệ họ hàng gần và có sự tương đồng về mặt di truyền (Elephas maximus).
Theo phương án được cho là hữu hiệu nhất, sự hồi sinh sẽ diễn ra chậm rãi: Cứ mỗi thế hệ voi lai ma mút sinh ra, nó sẽ được bổ sung các gene của ma mút để cuối cùng, một con vật gần như thuần chủng ma mút về mặt sinh học, sẽ ra đời.
"Hồi sinh có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau và khả năng hồi sinh của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta định nghĩa nó" - GS Love Dalén từ Đại học Stockholm, người tham gia dự án với Colossal Biosciences, cho biết.
GS Dalén và các đồng nghiệp của ông đã tiến gần đến việc giải trình tự toàn bộ bộ gene của voi ma mút, nhưng một số vùng DNA, chẳng hạn như một số chuỗi mã lặp lại, vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Cho đến nay, họ đã có được hơn 60 bộ gene voi ma mút lông xoăn một phần. Việc cấy gene ma mút vào con voi đầu tiên sẽ bắt đầu sau khi họ giải mã thành công toàn bộ bộ gene ma mút.
Nhóm khoa học gia này cũng tiết lộ 2 thông tin phấn khởi khác: Trong dự án dodo, họ đã có một bộ gene gần như hoàn chỉnh; với hổ Tasmania, mọi thứ thậm chí còn thuận lợi hơn.
Một quy trình tương tự quy trình hồi sinh ma mút sẽ được tiến hành bằng cách cấy gene dodo vào gà và cấy gene hổ Tasmania vào một loài thú có túi.
Chim dodo - (Ảnh: Colossal Biosciences).
Thực tế, hơn 20 năm trước, nhân loại từng đưa một sinh vật tuyệt chủng về với thế giới hiện đại trong vòng 7 phút.
Dòng dõi được phục hồi là loài dê núi Pyrenees (Capra pyrenaica pyrenaica), từ thành viên cuối cùng được biết đến của phân loài này, một con dê cái tên là Celia, đã chết vào năm 2000.
Năm 2003, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã cấy DNA được thu thập từ Celia trước khi chết vào một tế bào trứng dê thuần hóa đã loại bỏ nhân.
Tuy nhiên,con vật được sinh ra từ thí nghiệm đó đã chết non do một dị tật nặng ở phổi.
Hồi sinh một sinh vật tuyệt chủng từ hàng ngàn năm trước sẽ khó khăn hơn nhiều, nhưng với các tiến bộ khoa học ngày nay, điều đó có thể không quá xa vời.