Bản đồ vũ trụ chứa hơn một triệu thiên thể
Kính viễn vọng tia X hoàn thành lượt khảo sát đầu tiên toàn bộ bầu trời, giúp các nhà nghiên cứu tạo ra bản đồ chi tiết của vũ trụ.
Bản đồ vũ trụ được tổng hợp từ dữ liệu của kính viễn vọng eROSITA. (Ảnh: Phys.org).
Kính viễn vọng tia X eROSITA quét bầu trời hơn 182 ngày và phát hiện số nguồn tia X nhiều gấp 2 lần tổng số lượng đã biết trong 60 năm qua. Bức ảnh toàn bầu trời hé lộ cấu trúc chi tiết của khí gas nóng trong dải Ngân Hà, những ngôi sao có vành nóng và từ trường mạnh, hệ sao nhị phân tia X, hố đen, tàn tích của siêu tân tinh, sao lùn trắng, sao neutron, dải Ngân Hà và các thiên hà khác như Đám mây Magellan. Bản đồ này sâu hơn gấp 4 lần so với khảo sát toàn bầu trời trước đó do kính viễn vọng ROSAT thực hiện cách đây 30 năm.
eROSITA được phát triển bởi các nhà thiên văn học người Đức và Nga. Thiết bị bắt đầu hoạt động vào năm ngoái. Theo Peter Predehl, trưởng nhóm nghiên cứu kính viễn vọng tia X ở Viện Max Planck (MPE), eROSITA đã hoàn thành quan sát sâu nhất về bầu trời bằng tia X. Bức ảnh tổng hợp quan sát của eROSITA làm thay đổi hoàn toàn cách các nhà nghiên cứu xem xét vũ trụ chứa đầy năng lượng.
Không giống những kính viễn vọng khác, eROSITA ghi lại sự phát xạ tia X từ vũ trụ. Các cụm thiên hà trông như hào quang tia X trải rộng do khí gas nóng bị vật chất tối chặn lại. Nổi bật trong bức ảnh là khí gas nóng trong dải Ngân Hà và khoảng không liên thiên hà bao quanh. Đây là mấu chốt để hiểu rõ quá trình hình thành của thiên hà. Khảo sát của eROSITA cũng ghi nhận nhiều hiện tượng đặc biệt hiếm gặp như vết lóa từ thiên thể nhỏ đặc, sao neutron sáp nhập và ngôi sao bị hố đen nuốt chửng.
Nhóm nghiên cứu thu thập và xử lý khoảng 165 gigabyte dữ liệu từ 7 camera gắn trên kính viễn vọng. Rashid Sunyaev, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết ông và cộng sự đang bắt đầu lượt khảo sát toàn bầu trời thứ hai, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Trong vòng 3,5 năm tới, họ sẽ lập thêm 7 bản đồ.